Các công ty Anh tìm cách thoái vốn ở Nga

13:42' - 02/03/2022
BNEWS Legal & General, Abrdn và quỹ lương hưu do nhà nước điều hành Nest cho biết sẽ cố gắng bán số cổ phiếu của Nga mà họ đang nắm giữ.

Các công ty của Anh đang tìm cách rút tài sản khỏi Nga trong bối cảnh các chính phủ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đang tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.

Legal & General, Abrdn và quỹ lương hưu do nhà nước điều hành Nest cho biết sẽ cố gắng bán số cổ phiếu của Nga mà họ đang nắm giữ, trong khi chủ sở hữu của British Gas, Centrica ngày 1/3 đã trở thành công ty năng lượng lớn thứ ba của Anh tuyên bố chấm dứt thỏa thuận cung cấp khí đốt với công ty Gazprom trong vòng một tuần, theo sau BP và Shell.

 

Công ty Quản lý Đầu tư Legal & General (LGIM), công ty quản lý tài sản lớn nhất nước Anh, hiện đang quản lý lượng tài sản trị giá 1,3 tỷ bảng Anh (1,73 tỷ USD), cho biết công ty này đã cắt giảm tỷ lệ cổ phiếu và trái phiếu của Nga mà công ty đang nắm giữ, đồng thời tìm cách bán cổ phần trong các công ty Nga bị trừng phạt "nếu và khi điều kiện thị trường cho phép".

Trong khi đó, Nest, tổ chức lương hưu do nhà nước điều hành trị giá 23 tỷ bảng, cho biết sẽ “bán tất cả trái phiếu chính phủ Nga và các khoản đầu tư vào các công ty Nga càng sớm càng tốt”. Helen Dean, giám đốc điều hành của Nest, cho biết công ty đang tiến hành kế hoạch này “dựa trên tình hình ở Ukraine”.

Abrdn, công ty quản lý lượng tài sản trị giá 542 tỷ bảng Anh và Tổ chức Hưu bổng Các trường Đại học (USS), tổ chức hưu trí độc lập lớn nhất của Vương quốc Anh trị giá 90 tỷ bảng Anh, đều cho biết cắt giảm đầu tư vào Nga sớm hôm 1/3. Simon Pilcher, người đứng đầu USS, cho biết tổ chức này đã bán bớt khoảng một nửa trong số khoảng 450 triệu bảng Anh đầu tư vào Nga trong vài tuần qua.

Các nhà quản lý tổ chức hưu trí của công ty viễn thông BT cho biết việc tiếp xúc với Nga đã ở mức tối thiểu do “các mối quan tâm về quản trị và quyền sở hữu liên quan đến khu vực này”.

BT hiện chỉ nắm giữ số cổ phiếu Nga trị 30 triệu bảng, ít hơn rất nhiều so với mức 192 triệu bảng trong tháng 12/2021, cho thấy BT cũng đang muốn giảm mức độ rủi ro xuống thấp nhất có thể.

Công ty kinh doanh hàng hóa Glencore cũng nắm giữ lượng cổ phần đáng kể trong hai công ty của Nga là công ty dầu khí Rosneft và công ty khai thác En+ Group.

Tối ngày 1/3, Glencore cho biết đang “xem xét toàn bộ hoạt động kinh doanh trong nước, bao gồm cả cổ phần trong En+ và Rosneft”, song không cho biết liệu có thoái vốn hay không.

Trước đó, KLP, quỹ hưu trí lớn nhất của Na Uy, cho biết sẽ bán khoản đầu tư 500 triệu kroner Na Uy (42 triệu bảng Anh) vào 22 công ty Nga, bao gồm các công ty năng lượng Gazprom và Rosneft, cũng như các ngân hàng VTB và Sberbank.

Chính phủ Na Uy cũng đã thông báo rằng quỹ đầu tư quốc gia của mình, trị giá 1,3 tỷ USD (970 tỷ bảng Anh), sẽ thoái vốn khỏi Nga.

Các nhà quản lý đầu tư có ý định bán các tài sản liên quan đến Nga bởi nó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư của họ./.

>>>Visa, Mastercard chặn nhiều tổ chức tài chính Nga khỏi mạng lưới thanh toán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục