Các công ty công nghệ chuyển khoản đầu tư từ các dự án metaverse sang chatbot

07:55' - 24/09/2023
BNEWS Lần đầu được Facebook (sau đổi tên thành Meta Inc) công bố vào năm 2021, metaverse (vũ trụ ảo) đã trở thành từ khóa "nóng" được hàng trăm thương hiệu và doanh nghiệp toàn cầu săn đón.

Những cái tên đình đám trên nhiều lĩnh vực như công ty sản xuất đồ thể thao Nike, ngân hàng HSBC hay hãng đồ xa xỉ Gucci… đã nhanh chóng công bố hiện diện trên các nền tảng ảo như Horizons, Roblox hay Decentraland. Chính Facebook cũng đổi tên công ty thành Meta để thể hiện tham vọng với lĩnh vực chưa được khai phá nhiều này.

 

Nhưng ngày nay, câu chuyện đã khác. Các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, Google, thậm chí cả chính Meta, đã chuyển khoản đầu tư cùng nguồn lực từ các dự án metaverse sang chatbot tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI). ChatGPT và các AI tạo sinh đã thay thế metaverse trở thành xu hướng lớn tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ. Cảm giác về sự đình trệ và mất đà phát triển của metaverse đã hiển hiện.

Một lần nữa, những nhận định "metaverse sẽ không thể trở thành nền tảng phổ thông đại chúng" lại vang lên. Nhưng theo giới chuyên gia, dù lặng tiếng hơn so với trước, song metaverse đã trở thành một phần hiện thực của đời sống công nghệ và được áp dụng một cách chậm rãi nhưng ổn định. Đó là một điều tốt đối với lĩnh vực non trẻ này.

Metaverse thường được dùng để chỉ các môi trường giả lập trực tuyến không gián đoạn. Người dùng tham gia metaverse có thể làm việc, vui chơi, giao tiếp xã hội, mua sắm và sáng tạo… tương tự những hoạt động đã diễn ra trong hiện tại, nhưng trong một môi trường ảo rất thật và có nhiều tính năng hơn.

Ghé thăm một chi nhánh ngân hàng ảo trong metaverse sẽ cho phép người dùng tương tác với các sản phẩm tài chính thực tế. Hay tương tác với một cửa hàng bán lẻ trên metaverse cho phép khách hàng xem và thử các sản phẩm.

Khi ra mắt, các công nghệ và sản phẩm mới thường bị tung hô, cường điệu, nhưng rồi dần lắng dịu và nhường chỗ cho những cái mới khác. Đây chính là tình trạng hiện thời của metaverse. Nhưng đó lại chính là giai đoạn để các công nghệ hoàn thiện, phát triển những khả năng mới và xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Trong các lĩnh vực như làm việc hỗn hợp (hybrid work), các công cụ metaverse đang dần được giới thiệu và phổ biến hơn. Microsoft đã thêm các tính năng từ Mesh - nền tảng chia sẻ trải nghiệm tích hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tương tự Horizons của Meta vào ứng dụng Teams, cho phép người dùng tiếp xúc môi trường họp trực tuyến 3D theo phong cách metaverse. Google, Slack, Webex và Zoom đều có động thái tương tự trong năm nay.

Nhiều lĩnh vực khác cũng ghi nhận việc ứng dụng công nghệ metaverse để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, đáng chú ý gồm y tế, công nghiệp và xây dựng thương hiệu. Công ty tư vấn McKinsey nói rằng với tiềm năng tạo ra giá trị 5.000 tỷ USD vào năm 2030, metaverse là một lĩnh vực có triển vọng quá lớn nên các công ty khó có thể bỏ qua.

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner cũng cho biết metaverse có tiềm năng giúp các công ty bảo vệ, phát triển thương hiệu, thu hút khách hàng, giữ chân nhân tài, đồng thời tăng doanh thu. Theo dự báo của Gartner, đến năm 2027 sẽ có khoảng 40% tổ chức lớn trên toàn cầu triển khai một số dự án dựa trên metaverse.

Trong khi đó, những hỗn loạn và bất ổn của ChatGPT và các ứng dụng tích hợp AI tương tự không chỉ đơn thuần khơi mào cuộc chạy đua AI giữa một loạt công ty. Chúng cũng cho thế giới thấy rõ một bài học: các "ông lớn" ngành công nghệ sẽ tung ra sản phẩm mới ngay cả khi chúng chưa được hoàn thiện, chưa được kiểm tra, xác minh hoặc chưa thể hoạt động 100% công suất.

Không giống các lĩnh vực khác, các công ty công nghệ trong nhiều trường hợp có thể ngay lập tức phát hành sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu mà không phải trải qua quá trình kiểm tra tiêu chuẩn gắt gao, toàn diện.

Mặc dù nhiều người lập luận rằng sản phẩm công nghệ không cần quá nhiều giám sát, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Như phần mềm tự lái xe của Tesla chẳng hạn, phiên bản chạy thử (beta) của họ được cho là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn chết người và hiện đang bị điều tra. Giới chuyên gia nhấn mạnh các công nghệ phổ thông chỉ nên được phát hành ra công chúng khi được trang bị đầy đủ chức năng và hoạt động ổn định.

Đối với các công ty và tổ chức phát triển ứng dụng và nền tảng metaverse, thời gian "lặng tiếng" hiện thời đặc biệt rất có lợi. Những dự án phát triển metaverse không còn phải chịu sức ép phải tăng trưởng cùng sự cạnh tranh dồn dập từ các đối thủ lớn, qua đó cho phép các nhà phát triển có thêm thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng, thử nghiệm và tìm kiếm cách thức sử dụng mới, cũng như đảm bảo chất lượng cho những sản phẩm do họ phát triển.

Nhìn chung, các ứng dụng metaverse, cho dù là trên mạng xã hội, ứng dụng tài chính hay bán lẻ, đều phải có khả năng chống chịu trước các cuộc tấn công mạng. Chúng cũng không bao giờ được gây ra rủi ro về đạo đức hoặc đe dọa khả năng tuân thủ pháp luật cho người dùng. Điều này chỉ có thể đạt được khi một công ty tập trung xây dựng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục