Các công ty dược cam kết không đốt cháy giai đoạn nghiên cứu vaccine phòng COVID-19

19:43' - 08/09/2020
BNEWS 9 công ty dược phẩm lớn trên thế giới đang tiên phong trong cuộc đua bào chế vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cùng cam kết "không đốt cháy giai đoạn" trong nghiên cứu khoa học.

Theo hãng tin Bloomberg, 9 công ty dược phẩm lớn trên thế giới đang tiên phong trong cuộc đua bào chế vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cùng cam kết "không đốt cháy giai đoạn" trong công tác nghiên cứu khoa học, bất chấp việc họ đang phải đối mặt với áp lực gấp rút tung ra thị trường "tấm khiên bảo vệ" mạng sống con người trước virus SARS-CoV-2.

Trong một bức thư công khai ngày 8/9, các công ty dược phẩm gồm AstraZeneca Plc, BioNTech SE, GlaxoSmithKline Plc, Johnson & Johnson, Merck & Co., Moderna Inc., Novavax Inc., Pfizer Inc. và Sanofi đã nhất trí chỉ xin cấp phép cho vaccine khi những loại thuốc này được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn.

Các giám đốc điều hành của 9 công ty cùng cam kết: “Vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng, chúng tôi cam kết luôn đặt an toàn và sức khỏe của những người được tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu".

Bản cam kết được xem là một tuyên bố bác bỏ rằng áp lực chính trị đang khiến các công ty phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phải có được vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt, bất kể độ an toàn có được đảm bảo hay không.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này sẽ có vaccine phòng COVID-19 trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, đồng thời cáo buộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm đang cố tình làm chậm tiến trình phát triển vaccine nhằm phương hại sự nghiệp chính trị của ông.

Theo các công ty trên, niềm tin của công chúng vào các loại vaccine tiềm năng là rất quan trọng khi giới chức y tế nỗ lực thuyết phục hàng triệu người khỏe mạnh trên khắp thế giới tiên phong sử dụng những loại vaccine này. Các công ty dược phẩm cũng cam kết sẽ cố gắng đưa ra nhiều sự lựa chọn về vaccine “phù hợp tiếp cận trên toàn cầu”.

Trên thực tế, các nhà sản xuất dược phẩm cũng đã rút ngắn phần nào tiến trình phát triển vaccine - từ khoảng thời gian thông thường là vài năm, xuống chỉ còn vài tháng, trong đó một số công ty dự kiến sẽ có được vaccine trước cuối năm nay.

Trong một diễn biến liên quan, Viện nghiên cứu virus Vector tại Siberia (Nga) ngày 8/9 đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với loại vaccine tiềm năng thứ hai của nước này có khả năng phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Thông báo của giới chức y tế Nga nêu rõ: "Hôm nay nhóm 20 tình nguyện viên cuối cùng đã được xuất viện. Tất cả 100 tình nguyện viên tham gia đã được tiêm hai liều vaccine và đã hoàn thành thời gian theo dõi 23 ngày tại bệnh viện. Các tình nguyện viên đều trong trạng thái sức khỏe tốt".

Hồi tháng 8 vừa qua, Nga đã tuyên bố là quốc gia đầu tiên có vaccine phòng COVID-19. Loại vaccine mang tên Sputnik V này do Trung tâm Gamaleya tại thủ đô Moskva phát triển và đã hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vaccine Sputnik V là an toàn và hiệu quả, được cấp phép theo đúng các quy định nghiêm ngặt của Nga cũng như phù hợp với thông lệ và các quy định quốc tế.

Theo ông Putin, vaccine Sputnik V hình thành miễn dịch lâu dài và an toàn đồng thời các con gái của ông cũng đã được tiêm phòng, đã phát triển kháng thể và hiện sức khỏe đều rất tốt. Các cơ quan chức năng Nga cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm đối với 40.000 tình nguyện viên, sau khi vaccine này được cấp phép lưu hành./.

>>Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu vaccine phòng COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục