Các công ty năng lượng Ấn Độ chung tay phát triển thị trường tín chỉ carbon

07:00' - 15/10/2022
BNEWS Các công ty năng lượng xanh của Ấn Độ, như Adani Greens hay EKI Energy Services… đã nhất trí cùng phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

Ấn Độ là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và nước này đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

 

Thủ tướng Narendra Modi mong muốn Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc công nghiệp, đồng thời cắt giảm lượng khí thải 60 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hiệp hội thị trường carbon của Ấn Độ Manish Dabkara – người đồng thời là chủ sở hữu của EKI Energy Services - cho biết: “Một thị trường nội địa được hình thành với sự tham vấn chặt chẽ của những người có quyền lợi trực tiếp có thể thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi của đất nước nhằm mục tiêu trung hòa carbon”.

Hiệp hội thị trường carbon của Ấn Độ có sự tham gia của nhiều công ty như Hero Future Energies, Ayana Renewable Power hay Virescent Infra. Mục tiêu hoạt động của hiệp hội này là trở thành tổ chức trung gian giữa chính phủ và ngành công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tín chỉ carbon và qua đó sẽ đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Hạ viện Ấn Độ đã thông qua dự luật Bảo tồn năng lượng (sửa đổi) 2022 vào tháng 8 vừa qua, nhằm thiết lập hoạt động kinh doanh carbon.

Theo đó, chính phủ và các tổ chức tư nhân có thể kiếm được tín chỉ carbon bằng cách giảm phát thải khí nhà kính của họ. Các tín chỉ này có thể được mua và bán trên thị trường.

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quôc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục