Các công ty nhiên liệu hóa thạch chi mạnh cho quảng cáo để “ru ngủ” công chúng

20:37' - 05/01/2022
BNEWS Các công ty nhiên liệu hóa thạch và đối tác thân thiết họ nằm trong số những doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất cho các quảng cáo và chúng được thiết kế để trông giống như kết quả tìm kiếm của Google.

Các nhà hành động vì môi trường coi đó là một ví dụ về “greenwashing” - hành động truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu.

"Greenwashing" được coi là một tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của một công ty là thân thiện với môi trường.

The Guardian đã phối hợp với InfluenceMap để phân tích các quảng cáo được phát trên kết quả tìm kiếm của Google cho 78 cụm từ liên quan đến khí hậu. Kết quả cho thấy hơn 1/5 số quảng cáo được ghi nhận trong nghiên cứu, tương đương hơn 1.600 mục, được đặt bởi các công ty thu lời đáng kể từ nhiên liệu hóa thạch.

Các công ty đó trả tiền để quảng cáo của họ xuất hiện trên công cụ tìm kiếm khi người dùng tra các cụm từ nhất định. Loại hình quảng cáo này hấp dẫn các doanh nghiệp vì chúng có bề ngoài rất giống với kết quả tìm kiếm.

 

Hơn một nửa số người dùng trong một cuộc khảo sát năm 2020 cho biết họ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa các quảng cáo có trả phí và kết quả tìm kiếm thông thường của Google.

ExxonMobil, Shell, Aramco, McKinsey và Goldman Sachs nằm trong số 20 công ty thực hiện quảng cáo nhiều nhất ẩn dưới các cụm từ tìm kiếm, trong khi một số nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác và các công ty tài chính của họ cũng tham gia vào hoạt động quảng cáo.

Jake Carbone, nhà phân tích dữ liệu cấp cao tại InfluenceMap, cho biết: “Google đang cho phép các nhóm có lợi ích liên quan đến việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trả tiền để tiếp tục được tác động đến nguồn tài nguyên này khi mọi người đang nỗ lực đẩy lùi việc sử dụng chúng”.

Quảng cáo của tập đoàn dầu khí danh tiếng Shell - với tổng cộng 153 mục quảng cáo - đã xuất hiện trên 86% các kết quả tìm kiếm cho từ khóa "phát thải ròng 0%”.

Rất nhiều trong số những quảng cáo đó là nhằm thúc đẩy cam kết của Shell trở thành công ty không phát thải hoàn toàn vào năm 2050. Tuy nhiên, chiến lược của Shell chủ yếu dựa vào việc thu giữ và bù đắp carbon. Điều này về cơ bản là không có gì thay đổi.

Trong khi đó, Goldman Sachs, ngân hàng đã cấp các khoản vay dành cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trị giá gần 19 tỷ USD vào năm 2020, cũng có số lượng quảng cáo cao thứ ba trong khảo sát trên. Các quảng cáo của ngân hàng này đã xuất hiện trên gần 6/10 lượt tìm kiếm với từ khóa “năng lượng tái tạo”.

Các quảng cáo của công ty tư vấn McKinsey đã xuất hiện trên 8/10 lượt tìm kiếm với từ khóa “chuyển đổi năng lượng” và 4/10 lượt tìm kiếm với từ khóa “hiểm họa khí hậu”. Quảng cáo của công ty này nêu rõ: “McKinsey làm việc với các khách hàng vì sự đổi mới và tăng trưởng nhằm nâng cao tính bền vững”.

Bên cạnh hoạt động đầu tư bền vững, công ty còn nhận được nguồn thu đáng kể từ các khách hàng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo New York Times, trong những năm gần đây, McKinsey đã tư vấn cho 43 trong số 100 công ty gây ô nhiễm nhất thế giới.

Aramco, công ty dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước của Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã có 114 quảng cáo với các từ khóa tìm kiếm như “lưu trữ carbon”, “thu giữ carbon” và “chuyển đổi năng lượng”. Một số quảng cáo của họ còn tuyên bố công ty này đang "thúc đẩy đa dạng sinh học" và "bảo vệ hành tinh".

Melissa Aronczyk, Phó Giáo sư tại Đại học Rutgers, cho biết, ít nhất từ những năm 1980 ở Mỹ, các nhân viên quan hệ công chúng đã có nỗ lực phối hợp để giúp các công ty gây ô nhiễm phát triển các chiến lược có vẻ đi theo hướng “xanh hóa” trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường. Nhiều sáng kiến mà các công ty này đang thực hiện rất chắp vá và sẽ không dẫn đến bất kỳ loại thay đổi dài hạn hoặc mang tính hệ thống nào”.

Johnny White, một luật sư của tổ chức bảo vệ môi trường ClientEarth, kêu gọi thiết lập các quy định chặt chẽ hơn đối với các quảng cáo của các ngành gây ô nhiễm.

Ông lưu ý: “Các công ty nhiên liệu hóa thạch chi hàng triệu USD mỗi năm cho các chiến dịch quảng cáo vô cùng tinh vi, vì vậy việc phân loại thực tế để công chúng tránh bị lầm tưởng thực sự khó khăn”.

Ông White cho hay, để dập tắt xu hướng "greenwashing" gây tổn hại, cần phải ban hành luật cấm đối với tất cả các quảng cáo về nhiên liệu hóa thạch, giống như những gì đã làm với thuốc lá./.

>>>Thế giới chưa thể hết phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục