Các công ty và nhà đầu tư kêu gọi Mỹ tăng cường giảm khí thải

07:03' - 15/04/2021
BNEWS Trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, áp lực gia tăng với chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden khi doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ và châu Âu kêu gọi Mỹ giảm ít nhất 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong một tuyên bố, nhóm doanh nghiệp và nhà đầu tư hối thúc Mỹ cam kết đến năm 2030 giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005.

Tuyên bố nêu rõ: “Mỹ cần một mục tiêu rõ ràng vào năm 2030 để thúc đẩy tương lai không khí thải, kích thích phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tạo hàng triệu việc làm lương cao và cho phép Mỹ tái thiết tốt hơn sau đại dịch”.

Tuyên bố có chữ ký của đại diện 310 doanh nghiệp và nhà đầu tư đang kinh doanh tại Mỹ. Nhóm này có tổng doanh thu hằng năm hơn 3.000 tỷ USD và quản lý khối tài sản trị giá 1.000 tỷ USD.

Trong số này có đại diện của Walmart, Apple, General Electric, cùng với Quỹ hưu trí dành cho giáo viên bang California (CalSTRS) và các trưởng ban tài chính của bang và thành phố New York.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, hơn 100 nghị sỹ, doanh nghiệp và nghiệp đoàn châu Âu cũng hối thúc chính phủ của ông Biden đề ra mục tiêu tương tự.

Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) triển khai kế hoạch đến năm 2030 giảm ít nhất 55% lượng khí thải so với các mức của năm 1990.

Một số doanh nghiệp đã ký tên vào cả hai văn bản trên, trong đó có Unilever, H&M và Google.

Các bên hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đưa ra tín hiệu mạnh, giúp thúc đẩy những nước khác có hành động quyết liệt hướng tới mục tiêu thế giới không phát thải vào năm 2050 cũng như hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu.

Điều này đòi hỏi chính phủ đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, các công nghệ giảm carbon và vận tải không phát thải.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì trong hai ngày 22-23/4 tới. Tại hội nghị, Mỹ dự kiến công bố mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mỹ là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, sau đó lần lượt là Trung Quốc và Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục