Các địa phương đề ra giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

17:45' - 03/04/2019
BNEWS Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018.
Cải cách hành chính góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, có những địa phương tiếp tục duy trì được đà tăng hạng của mình, nhưng cũng không có ít tỉnh bị tụt hạng so với năm trước. Chính vì vậy, các địa phương vẫn tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm duy trì và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của mình trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, thời gian tới, Bến Tre sẽ đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2019 để tạo một cửa thống nhất toàn tỉnh, giúp sự tiếp cận thủ tục dễ dàng hơn và xóa bỏ tình trạng một cửa của từng sở, ngành.

Cùng với đó, tỉnh thúc đẩy Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án khả thi của khu công nghiệp Phú Thuận để xây dựng khu tái định cư, thi công hạ tầng, tạo quỹ đất cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư thuận lợi.

Ngoài ra, tỉnh duy trì và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các cụm công nghiệp hiện hữu như Long Phước, Phong Nẫm, An Đức - thị trấn Ba Tri…

Tỉnh cũng đang xúc tiến trình Bộ Công Thương để quy hoạch mạng lưới điện cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là sẽ cố gắng đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Nam cho phép nâng trạm 110 KV lên 220 KV để nâng công suất phát điện cao hơn, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận dự án nhiều hơn; trong đó, có cả các dự án năng lượng điện gió và năng lượng điện mặt trời.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh luôn luôn tạo điều kiện và cố gắng khắc phục những chỉ số thành phần còn yếu kém; trong đó, có cả việc sắp xếp cơ cấu, bộ máy, công khai quy hoạch sử dụng đất đang trình Chính phủ, nhằm tạo điều kiện rõ ràng, công khai, minh bạch, tất cả các doanh nghiệp có thể tiếp cận và cùng cạnh tranh công bằng khi đầu tư tại Bến Tre.

Đáng chú ý, kết quả chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa được công bố, Bến Tre tiếp tục tăng hạng so với năm 2017 (năm 2017 xếp hạng 5) khi lần đầu tiên được xếp hạng 4 trong cả nước.

Theo Ủy ban nhân tỉnh Bến Tre, trong quí I/2019, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 123 doanh nghiệp và 62 đơn vị trực thuộc, với tổng vốn đăng ký hơn 876 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký trên địa bàn tỉnh đến tháng 3/2019 là 4.237 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 34.501,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án, bao gồm 2 dự án FDI với tổng vốn 16 triệu USD và 6 dự án trong nước với tổng vốn 140,84 tỷ đồng.Đến nay, tỉnh còn 278 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 53 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 882 triệu USD và 225 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 44.795 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Trà Vinh tiếp tục tụt hạng xuống vị trí thứ 46/63 tỉnh, thành phố của cả nước, đứng vị trí thứ 12/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 61,79 điểm, giảm 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI so với năm 2017, và được đánh giá thuộc nhóm điều hành trung bình.

Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng chỉ đạo UBND tỉnh, các sở ngành liên quan nhanh chóng phân tích nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương để nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm biện pháp khắc phục kịp thời, nhất là đối với 8 chỉ số thành phần giảm điểm và giảm bậc.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để cải thiện PCI. Đặc biệt, đối với 2 chỉ số thành phần có thứ hạng thấp nhất là đào tạo lao động (xếp hạng 63/63) và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (51/63), Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục cụ thể.

Theo đó, để cải thiện chỉ số đào tạo lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, đưa thông tin tuyển dụng đến với người lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường liên kết tuyển dụng, đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, ngành rà soát, bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo, tuyển dụng lao động, chính sách người lao động tham gia học nghề; tư vấn các ngành nghề học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giới thiệu việc làm….

Đối với chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù đây là 1 trong 2 chỉ số của Trà Vinh tăng điểm và tăng hạng so với năm 2017 nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu Chủ tịch UBND tỉnh giao; trong đó, 14/24 chỉ số thành phần bị đánh giá thấp so với điểm trung vị của cả nước.

Để cải thiện chỉ số này, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên tổ chức hội chợ, phiên chợ thương mại, kết nối thị trường cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hỗ trợ và phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết ngành, liên kết vùng, cụm, chủ yếu tập trung vào các ngành có tiềm năng, thế mạnh và có giá trị xuất khẩu cao của tỉnh.

Ngành công thương tăng cường quản lý thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, vi phạm bản quyền, gian lận thương mại… nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển.

Hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2018 của tỉnh Trà Vinh, chỉ có 2 chỉ số tăng điểm và tăng bậc là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và tính minh bạch. Các chỉ số còn lại đều bị giảm điểm và giảm bậc./.

Xem thêm:

>>Chỉ số Năng lực cạnh tranh của Hải Phòng đứng vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành

>>Lần đầu tiên Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục