Các điểm chính trong quy tắc ngân sách hiện hành của EU

08:03' - 19/10/2021
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đang khởi động cuộc tham vấn về cải cách lần thứ tư đối với các quy tắc tài khóa được gọi là Hiệp ước ổn định và tăng trưởng nhằm củng cố giá trị của đồng tiền chung euro.

 Động thái trên được thực hiện để phù hợp với thực tế của khu vực hậu đại dịch COVID-19 là nợ công cao hơn và chi phí lớn để chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải.

Hiệp ước trên rất phức tạp nhưng được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc quan trọng: mức trần đối với thâm hụt ngân sách của một quốc gia và mức trần đối với tổng nợ công của quốc gia đó.
Dưới đây là một số nội dung chính của các quy tắc hiện tại trong hiệp ước này:

* Chính phủ các nước EU phải giữ thâm hụt ngân sách dưới mức tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nếu vượt quá mức trần này, các bộ trưởng tài chính EU sẽ cho họ thời gian để giảm mức vượt quá. Nếu chính phủ của quốc gia thành viên EU bỏ qua những giới hạn này thì chính phủ nước đó có thể bị áp dụng các chế tài.
* Các chính phủ nên thiết lập một quy tắc để giữ cho phần ngân sách của họ không biến động theo chu kỳ kinh tế ở mức cân bằng hoặc thặng dư.
* Nợ công của một nước không được cao hơn 60% GDP. Nếu cao hơn, hàng năm phải giảm 1/5 mức nợ bị vượt quá.
* Nếu một chính phủ không tuân thủ việc giảm nợ theo quy định, chính phủ đó có thể bị áp dụng các chế tài theo cách tương tự như với việc thâm hụt vượt quá mức trần quy định.
* Khi xác định số tiền cần chi tiêu, các chính phủ nên sử dụng quy tắc rằng bất kỳ mức tăng chi tiêu ròng nào đều không được cao hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế.

Theo cách này, khi nền kinh tế đang phát triển dưới mức tiềm năng, các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn và khi tăng trưởng trên mức tiềm năng, chi tiêu công sẽ giảm.
* Chính phủ các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải gửi các giả định chính về ngân sách của họ trong năm tới trước ngày 15/10 hàng năm cho Ủy ban châu Âu (EC) để xem xét rằng chúng có phù hợp với các quy tắc của EU hay không.
* EC sẽ kiểm tra hàng năm để đảm bảo các nền kinh tế thành viên Eurozone không phát triển mất cân bằng và mang nhiều rủi ro như bong bóng bất động sản, các vấn đề trên thị trường lao động, thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai quá lớn.

EC có thể yêu cầu một quốc gia điều chỉnh sự mất cân bằng này và nếu các khuyến nghị của họ bị phớt lờ, quốc gia đó có thể bị áp dụng các chế tài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục