Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rời khỏi nước Anh nếu gặp khó trong kinh doanh

11:47' - 09/02/2018
BNEWS Hiện có đến 879 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh ở nước Anh, tạo công ăn việc làm cho 142.000 người.

Đại sứ Nhật Bản tại Vương quốc Anh Koji Tsuruoka ngày 8/2 cảnh báo rằng các doanh nghiệp của nước này sẽ phải rời khỏi “xứ sở sương mù” nếu các rào cản thương mại sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở đây không thể sinh lời.

Phát biểu với báo giới tại Phố Downing về mối đe dọa đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nếu nước Anh không thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, ông Tsuruoka cho rằng không riêng gì các doanh nghiệp Nhật Bản mà tất cả các doanh nghiệp tư nhân sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh ở nước Anh nếu họ không thể kiếm được lợi nhuận.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư trên 40 tỷ bảng Anh (56 tỷ USD) vào “xứ sở sương mù”, khi các chính quyền trước đó kể từ thời của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher luôn hứa hẹn một nền tảng thân thiện với doanh nghiệp để các công ty ở đây có thể thực hiện hoạt động thương mại trên khắp châu Âu.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, lâu nay vẫn đặc biệt quan ngại về tác động của Brexit đối với Vương quốc Anh, điểm đến đầu tư quan trọng thứ hai của nước này sau Mỹ.

Theo một bản đánh giá của Chính phủ Vương quốc Anh được truyền thông nước này đăng tải, ngành ô tô có thể phải gánh chịu chi phí tăng từ 5% đến 13% trong các kịch bản hậu Brexit khác nhau có thể xảy ra. Chi phí của các dịch vụ tài chính cũng được dự đoán sẽ tăng 5-10%.

Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Theresa May và nhiều bộ trưởng của nước Anh có cuộc gặp với lãnh đạo 19 doanh nghiệp Nhật Bản. Theo hãng tin Reuters, tại cuộc gặp, bà May và các bộ trưởng đã đảm bảo với các doanh nghiệp Nhật Bản về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ thương mại tự do hậu Brexit, nhưng cho biết không có gì chắc chắn về vấn đề này.

Cuộc gặp trên có sự góp mặt của lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi như Honda, Mitsubishi, Nissan, Panasonic và Toyota, cũng như ngân hàng Nomura và các ngân hàng lớn khác.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis của nước Anh ngày 8/2 đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) "hành động thiếu thiện chí" khi đề cập kế hoạch trừng phạt Londo,n nếu nước này vi phạm các quy định mà EU đưa ra trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Vương quốc Anh rời khỏi "ngôi nhà chung châu Âu".

Phát biểu trước báo giới tại London, ông David nhấn mạnh đến nỗ lực hiện nay giữa nước Anh và EU trong việc xây dựng một thỏa thuận thời kỳ chuyển tiếp với mục đích tạo cầu nối đảm bảo sự hợp tác thông suốt giữa hai bên trong tương lai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông David, việc EU công bố thỏa thuận dự thảo với kế hoạch áp đặt trừng phạt trên, mang ẩn ý EU có thể tùy tiện chấm dứt thời kỳ chuyển tiếp và văn kiện đó mang đậm chất chính trị. Do đó, ông cho rằng "việc công bố dự thảo thỏa thuận trên là thiếu thận trọng".

Nước Anh và EU đã xúc tiến các cuộc đàm phán về thời kỳ chuyển tiếp dự kiến kéo dài 2 năm kể từ sau khi "xứ sở sương mù" chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.

Theo đó, London sẽ phải tuân thủ mọi quy định của EU và không có quyền đưa ra quyết định, đổi lại nước Anh được quyền tiếp cận với thị trường chung của khối. Tuy nhiên, bản dự thảo thỏa thuận do EU công bố ngày 8/2 đề cập đến khả năng áp đặt trừng phạt trong trường hợp nước Anh vi phạm quy định của EU.

Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc tái áp đặt các loại thuế và kiểm tra hải quan đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh nhập khẩu vào EU - quy định được gỡ bỏ hoàn toàn với nước Anh trong thời kỳ chuyển tiếp.

>>>Kinh tế Nhật Bản phát đi những tín hiệu khả quan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục