Các doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ mở rộng hợp tác

16:39' - 19/10/2023
BNEWS Tối 18/10 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels đã diễn ra sự kiện Gặp gỡ doanh nghiệp Việt-Bỉ nhằm nhằm tạo nền tảng cho cơ hội trao đổi trực tiếp và kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên.

Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ phối hợp với Liên minh Bỉ-Việt (BVA) và Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự tham dự của đoàn công tác tỉnh Hải Dương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Triệu Thế Hùng dẫn đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt-Bỉ này diễn ra vào thời điểm hai nước Việt Nam và Bỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong năm 2023, hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Mới đây, Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tất cả các sự kiện này cho thấy đây là thời điểm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Đề cập đến vai trò của BVA, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định BVA đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ trong thời gian qua. Đại sứ tin tưởng tổ chức này tiếp tục là cầu nối hữu nghị thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Ông Andries Gryffroy, Chủ tịch BVA, đánh giá cao quan hệ hợp tác thương mại giữa Bỉ và Việt Nam. Ông cho biết vừa tham gia đoàn Thủ hiến vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) thăm Việt Nam hồi tháng Chín vừa qua và ghi nhận nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đối với doanh nghiệp Bỉ. Ông cho rằng sự kiện này góp phần đưa ra cách thức phù hợp để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, các doanh nghiệp Bỉ hiểu hơn thị trường Việt Nam.

Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư vào thị trường Bỉ. Hiện Vinfast đã bắt đầu cho việc kinh doanh tại thị trường Bỉ. Ông Gryffroy nhắc lại Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường của nhau.

Về phần mình, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa VCCI và BVA phát triển rất tốt đẹp trong thời gian qua. Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước thâm nhập thị trường của nhau.

Nhân dịp này, BVA và VCCI đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Andries Gryffroy cho biết hai bên đã ký kết thỏa thuận từ năm 2017 và hiện nay gia hạn văn bản này. Đây là cơ sở để hai bên phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Cả BVA và VCCI đều có những nền tảng riêng, cùng kết hợp với nhau tổ chức các sự kiện, trao đổi, kết nối doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Bỉ và Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh, nhấn mạnh trong thời gian tới, VCCI và BVA sẽ bàn bạc cụ thể các lĩnh vực hợp tác, qua đó sẽ đưa được nhiều doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tới thị trường Việt Nam cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại châu Âu.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Triệu Thế Hùng đã giới thiệu tới các nhà đầu tư Bỉ những thế mạnh của tỉnh. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông thuận tiện, nguồn nhân lực dồi dào, cải cách thủ tục hành chính, nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư. Hải Dương mong muốn thu hút đầu tư châu Âu, trong đó có Bỉ đặc biệt vào logistics và nông nghiệp sinh thái. Đây cũng là những lợi thế của Bỉ. Ông Triệu Thế Hùng mong muốn BVA kết nối với các doanh nghiệp Bỉ để đầu tư vào Hải Dương trong những lĩnh vực này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng giới thiệu tiềm năng của tỉnh. Ảnh: Hương Giang- PV TTXVN tại Bỉ
Sự kiện cũng là dịp để đại diện các doanh nghiệp Bỉ đã chia sẻ về việc kinh doanh tại Việt Nam và với Việt Nam. Ông De Grand Ry, Lãnh sự danh dự Việt Nam, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp logisitics có hơn 20 năm làm ăn với Việt Nam cho biết doanh nghiệp của ông xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm hóa chất và nhập khẩu giày thể thao, cà phê và phân phối chủ yếu cho thị trường Thụy Sỹ. Ông đánh giá cao quả vải Hải Dương và cho biết đã thử nhập khẩu trái cây này sang Bỉ. Tuy nhiên, quả vải được chuyên chở bằng container sau 35 ngày sang đến Bỉ chất lượng không còn tươi ngon nữa. Ông De Grand Ry cũng nói thêm lĩnh vực giấy của Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư châu Âu.

Ông Philippe Vermeulen, Chủ tịch Tập đoàn Avalon, bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực: quy hoạch, thiết kế, thi công nhà máy, khách sạn, bệnh viện, viện dưỡng lão… theo tiêu chuẩn châu Âu; phát triển các dự án du lịch trải nghiệm và có trách nhiệm với cộng đồng. Một số doanh nghiệp khác thì quan tâm đến du lịch sinh thái của tỉnh Hải Dương.

Sự kiện Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ nằm trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến thương mại tại châu Âu của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo tỉnh Hải Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục