Các dự án giải tỏa năng lượng tái tạo – Bài 1: Nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng

10:59' - 07/07/2020
BNEWS EVNNPT đang triển khai đầu tư các dự án trạm biến áp (TBA) 220 kV Cam Ranh (dự kiến đóng điện Quý 4/2020) và đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm (dự kiến đóng điện tháng 12/2020).

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang triển khai đầu tư các dự án trạm biến áp (TBA) 220 kV Cam Ranh (dự kiến đóng điện Quý 4/2020) và đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm (dự kiến đóng điện tháng 12/2020). Đây là các dự án quan trọng để nâng cao khả năng tải của lưới điện khu vực, đặc biệt để giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, nơi có dự án đi qua, quan tâm hỗ trợ để tháo gỡ các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên đến nay tình hình giải phóng mặt bằng của các dự án trên vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án.

TBA 220 kV Cam Ranh được xây dựng trên địa bàn xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích thu hồi khoảng 41.617 m2.  Phần đường dây đấu nối 220 kV có quy mô xây dựng 4 mạch với chiều dài khoảng 0,2 km và đoạn đường dây 220kV 2 mạch với chiều dài 9,2 km để chuyển tiếp vào đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm hiện hữu và đường dây 220 kV mạch kép Nha Trang – Tháp Chàm đang thi công. 

Tuyến đường dây đi qua các xã Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc thuộc huyện Cam Lâm với tổng diện tích thu hồi khoảng 5.920 m2, diện tích hành lang chiếm khoảng 20,68 ha.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), đơn vị thay mặt EVNNPT quản lý dự án, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Cam Lâm đã thực hiện kiểm đếm xong các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dự án gồm 154 hộ; trong đó, có 11 hộ bị thu hồi phần TBA và 143 hộ bị ảnh hưởng hành lang tuyến đường dây.

Trong tháng 5/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có Kế hoạch số 1692/KH-STNMT về việc tổng hợp nhu cầu cần thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể và UBND huyện Cam Lâm có Tờ trình số 96/TTr-UBND gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa về việc xác định giá đất để tính bồi thường thực hiện dự án TBA 220 kV Cam Ranh và đường dây 220 kV đấu nối vào trạm trên địa bàn huyện Cam Lâm.

Ngay cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp do Phó Chủ tịch Lê Hữu Hoàng chủ trì và bàn biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc dự án. Trong đó giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị tư vấn khảo sát giá và thực hiện trước ngày 22/6/2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể trong tháng 6/2020 làm cơ sở lập phương án bồi thường. 

Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt kế hoạch thuê đơn vị khảo sát giá do Sở Tài nguyên và Môi trường trình nên chưa có cơ sở để tách dự án ra thực hiện trước theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 251/TB-UBND ngày 02/6/2020.

Đối với đường dây 220 kV Nha Trang – Tháp Chàm có quy mô xây dựng đường dây 220 kV mạch kép (treo trước 1 mạch) đi trên địa bàn thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa và các huyện Thuận Bắc, Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận bằng nguồn vốn ODA vay ngân hàng KfW (Tái thiết Đức).

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị thay mặt EVNNPT quản lý dự án cho biết, với chiều dài khoảng 57 km đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm 120 vị trí; trong đó có 26 vị trí đất rừng thì đến thời điểm đầu tháng 7 này, phần móng đã kê kiểm 120/120 vị trí; vận động bàn giao 88/120 vị trí. Phần hành lang tuyến cũng kê kiểm được 120/120 khoảng cột; mới phê duyệt, chi trả tiền và bàn giao 8/120 khoảng cột.

Theo CPMB, đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố Nha Trang, hiện đã kê kiểm xong 45/45 hộ; đã xét nguồn gốc đất được 45/45 hộ; áp giá 43/45 hộ và họp thẩm định thông qua phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 36/45 hộ. Hiện chưa hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phần móng trụ và hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời đã vận động bàn giao được 5/5 vị trí.

Đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Diên Khánh, hiện đã kiểm kê xong 220/222 hộ dân, còn 2 hộ chưa kiểm đếm; đã xét nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đang niêm yết công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của 220/222 hộ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định hồ sơ đo vẽ phần móng trụ.

Hiện nay, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt phương án bồi thường móng trụ (đợt 1). Phần hành lang của đoạn tuyến này cũng đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và chi trả tiền cho dân được 107/222 hộ, tương ứng với 8/120 khoảng cột. Đồng thời vận động bàn giao được 49/54 vị trí.

Đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Cam Lâm, CPMB cho biết hiện đã kiểm kê xong toàn bộ 157 hộ dân; đã xét nguồn gốc đất được 104/157 hộ, còn 53/169 hộ dân chưa xét nguồn gốc đất; đã vận động bàn giao phần móng được 34/50 vị trí. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định hồ sơ đo vẽ phần móng trụ. 

Hiện nay, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt phương án bồi thường móng trụ (đợt 01). Riêng phần hành lang của đoạn tuyến này chưa lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Về đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố Cam Ranh, hiện cũng đã kiểm kê xong và xét nguồn gốc đất toàn bộ 53 hộ; chưa trình phê duyệt móng và hành lang. 

Đánh giá của CPMB cho thấy, trên địa bàn thành phố Nha Trang hiện còn 2 hồ sơ phần hành lang tuyến của Công ty Thạch Nguyên không đồng ý hướng tuyến và hộ bà Nguyễn Thị Nga đã kiểm kê nhưng chưa ký biên bản. Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố cũng chưa hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt phương án bồi thường phần móng và hành lang.

Ông Phạm Xuân Việt, Phó Trưởng phòng đền bù (CPMB) cho biết, trên địa bàn huyện Diên Khánh, tại vị trí 45 có hộ ông Nguyễn Ngọc Ánh không đồng ý với hướng tuyến (đi chéo qua thửa đất) nên đã xây 1 nhà tạm sát móng trụ và 1 nhà nuôi yến hơn 3 tầng kiên cố dưới hành lang. 

Bên cạnh đó, tại khoảng cột 47- 48 có hộ ông Giáp mới xây 1 nhà nuôi yến 3 tầng kiên cố dưới hành lang. Hiện xã Diên Lộc đã kiểm tra và báo cáo huyện Diên Khánh về trường hợp này.

Hiện nay còn 52/157 hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lâm đang xét nguồn gốc đất. UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho chủ trương hỗ trợ tài sản trên đất đối với các hộ canh tác trên đất lâm nghiệp thuộc địa bàn thành phố Cam Ranh. Tuy nhiên, đến nay Trung tâm phát triển Quỹ đất chưa trình UBND thành phố Cam Ranh phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phần móng trụ và hành lang.

Tại tỉnh Ninh Thuận có 56 vị trí đường dây đi qua, phần hành lang tuyến tại huyện Thuận Bắc còn 33 hộ dân thuộc 8 khoảng cột canh tác trên đất rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồ Sông Trâu, UBND tỉnh đã chấp thuận cho bồi thường. Trung tâm phát triển Quỹ đất đang trình phê duyệt phương án bồi thường chi trả tiền. Phần hành lang tuyến tại huyện Bác Ái còn 3 hộ có đất ngoài lâm nghiệp và 6 hộ canh tác trên đất lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chấp thuận cho bồi thường. Trung tâm phát triển Quỹ đất cũng đang trình phê duyệt phương án bồi thường chi trả tiền.

Đối với các đoạn tuyến đường dây đi qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng và Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi đất rừng. 

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận còn 31 vị trí đất rừng chưa bàn giao mặt bằng do chưa có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngày 5/5/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo giải trình về chủ trương chuyển đổi đất rừng dự án. Ngày 21/5/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi cho UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường để giải quyết nội dung Tờ trình báo cáo của tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xử lý theo ý kiến của Văn phòng Chính phủ.

Tỉnh Khánh Hòa cũng còn 26/120 vị trí móng rừng đang được Chính phủ xem xét cho chuyển đổi đất rừng. Ngày 8/5/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị bổ sung số liệu, thông tin về chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án. Đến ngày 18/5/2020, CPMB có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa để làm rõ một số nội dung liên quan nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có báo cáo trình.

Hiện CPMB đã trình EVNNPT thẩm định phê duyệt hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật đoạn tuyến vượt rừng của dự án. Ban cũng có các văn bản gửi UBND các huyện Bắc Ái, Thuận Bắc về việc đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại các vị trí móng trụ phải điều chỉnh thiết kế nâng cột, tránh ảnh hưởng đến cây rừng thuộc khu vực hành lang tuyến đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm (đoạn qua địa bàn các huyện Bắc Ái và Thuận Bắc).

Với những vướng mắc liên quan đến chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng và hiện nay vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời việc thi công dự án cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nên CPMB kiến nghị điều chỉnh kế hoạch đóng điện đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm qua năm 2021./.

Còn nữa, Bài 2: Cần địa phương vào cuộc mạnh mẽ 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục