Các hãng hàng không nêu lý do đồng loạt tăng phí phụ thu quản trị hệ thống

20:11' - 12/05/2021
BNEWS Tăng phụ thu để bảo đảm vận hành tốt hơn hệ thống bán vé. Đây là khẳng định của các hãng hàng không trước thông tin các hãng thông báo điều chỉnh tăng phụ thu quản trị hệ thống (YR) năm 2021.

Theo các hãng hàng không, phụ thu quản trị hệ thống là chi phí chi trả cho việc duy trì các hệ thống quản trị những dữ liệu liên quan tới hành trình của khách hàng.

Việc tăng này nhằm điều chỉnh phù hợp với thị trường, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là hệ thống bán vé được vận hành tốt hơn.

Về phía các phòng vé, đại lý cho biết, việc tăng phụ thu quản trị hệ thống của các hãng khá đột ngột, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đối với những khách hay đoàn đã có đặt vé trước ngày tăng phụ thu theo quy định, chúng tôi phải thông báo điều chỉnh tới từng khách, từng đoàn.

Trong một số trường hợp muốn giữ khách, đoàn đặt theo combo trước đó, các phòng vé, đại lý sẽ thương lượng việc chịu khoản phụ thu thêm này. Điều đó có thể khiến các phòng vé, đại lý phải chịu thêm một khoản chi phí phát sinh.

Theo chị Nguyễn Thu Hà, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, hệ thống đặt chỗ, bán vé và theo dõi thông tin chuyến bay trước và sau thông tin điều chỉnh tăng phụ thu quản trị hệ thống về cơ bản vận hành ổn định.

Tuy nhiên, thời điểm này các hãng mở bán vé với giá khá thấp trên hầu hết các chặng bay nội địa, nhưng thực tế giá vé gốc thì rẻ, còn các khoản thuế, phí lại cao.

Việc tăng phụ thu quản trị hệ thống sẽ làm ảnh hưởng giá vé máy bay nói riêng và chi phí di chuyển nói chung, nhất là đối với những người có đặc thù công việc thường xuyên đi lại.

Theo cơ cấu giá vé máy bay nội địa của Việt Nam gồm: giá vé máy bay do hãng hàng không niêm yết, thuế giá trị gia tăng, phí an ninh soi chiếu, phí sân bay, phí quản trị, phụ thu xăng dầu; trong đó một số loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng các hãng phải thu như nhau để nộp ngân sách Nhà nước.

Phí dịch vụ hành khách, phí sân bay và phí an ninh soi chiếu do hãng hàng không thu hộ để nộp cho các đơn vị quản lý cảng hàng không - sân bay.

Ngoài ra, một số loại phí do hãng tự thu với những mức thu khác nhau tùy theo sự tính toán của các hãng, bao gồm phụ thu quản trị hệ thống.

Trước đó, các hãng hàng không đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng phụ thu quản trị hệ thống (YR) năm 2021.

Cụ thể, từ ngày 9/5, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tăng phụ thu quản trị hệ thống đối với hành trình nội địa Việt Nam theo tất cả kênh bán, loại giá, chuyến bay với mức tăng thêm 100.000 đồng/chặng, lên 450.000 đồng/chặng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Mức tăng này áp dụng đối với khách người lớn, trẻ em, không áp dụng với trẻ em dưới 2 tuổi và khách sử dụng ZED/MIBA. Đây là lần đầu tiên Vietnam Airlines tăng phụ thu quản trị hệ thống trong năm 2021.

Vietjet Air cũng áp dụng mức tăng đối với tất cả hành khách đặt chỗ và thay đổi vé trên chuyến bay quốc nội từ ngày 4/5, từ 250.000 đồng/chặng lên 310.000 đồng/chặng, tăng 60.000 đồng/chặng, chưa bao gồm VAT.

Bamboo Airways cũng điều chỉnh mức tăng phụ thu quản trị hệ thống đối với vé đoàn và các loại vé còn lại ở tất cả đường bay nội địa Việt Nam.

Theo đó, áp dụng cho các đoàn xác nhận đặt chỗ từ 10/5/2021 với mức tăng 90.000 đồng/chặng đối với vé đoàn series, từ 320.000 đồng/chặng lên 410.000 đồng/chặng; từ 370.000 đồng/chặng lên 460.000 đồng/chặng đối với vé đoàn adhoc/incentive; mức phụ thu chưa bao gồm VAT.

Đối với các vé còn lại xuất, đổi từ 10/5/2021 và có hành trình khởi hành từ 10/5/2021, Bamboo Airways cũng áp dụng tăng 90.000 đồng/chặng, từ 320.000 đồng/chặng lên 410.000 đồng/chặng, mức phụ thu chưa bao gồm VAT.

Theo Bamboo Airways, hãng không áp dụng tăng phụ thu quản trị hệ thống đối với các gói sản phẩm trả trước trọn gói, combo, giá trao đổi... được bán trước ngày 10/5/2021 và có mức giá công bố căn cứ trên mức giá tổng như Combo Chill, thẻ Business Trip Card, giá trao đổi VTBCab.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục