Các lễ hội dịp Tết Nguyên đán gần Hà Nội

07:02' - 29/01/2019
BNEWS Lễ hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội chùa Hương, hội khai ấn đền Trần… là những lễ hội dịp Tết Nguyên đán gần Hà Nội đặc sắc và có sức thu hút nhất.

Hội gò Đống Đa

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Hội gò Đống Đa - Mồng 5 tháng Giêng Âm lịch . Ảnh: TTXVN

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Quê hương Của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là ở quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ở đây, nhân dân cũng xây nhà thờ ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Hàng năm, cũng vào ngày 5 tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống... rất đặc sắc.

Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan.

Lễ hội chùa Hương

Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng giêng hàng năm là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch.

Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Du khách dự lễ hội chùa Hương. Ảnh: Quý Trung-TTXVN

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa.

Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, lễ hội chùa Hương 2018 sẽ chính thức khai hội vào sáng mùng 6 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 21-2) và kéo dài đến cuối tháng ba âm lịch. Theo ban tổ chức, năm nay sẽ siết chặt công tác quản lý, để đảm bảo mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.

Theo Ban quản lý lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn vừa là dịp đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội đền Sóc (Hội Gióng)

Lễ hội đền Sóc tổ chức tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời.

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Rước hoa tre của Thánh Gióng hội đền Sóc. Ảnh: TTXVN

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao "nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, "chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam".

Lễ hội chợ Viềng - Nam Định

Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.  

Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may (bán rủi cầu may).

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.

Du khách thập phương chọn mua cây cảnh lấy may tại chợ Viềng. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về.

Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông.

Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép… du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch. Non thiêng Yên Tử là nơi vua hóa Phật khi vua Trần Nhân Tông về đây tu luyện và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử.

Bởi vậy, lễ hội Yên Tử vẫn được coi là nguyên khí Việt. Núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều, cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, Yên Tử có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân (Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng) và được biết đến là một trong bốn "Phúc địa linh thiêng" của Giao Châu.

Đông đảo du khách thập phương về dự khai hội Yên Tử. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hội xuân Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

Hội Xuân Yên Tử năm 2018 sẽ chính thức khai hội vào ngày 25-2, tức 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Lễ hội Khai ấn đền Trần - Nam Định

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ, sau những ngày nghỉ tết bắt đầu từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường.

Hàng vạn người chen lấn trước Lễ Khai ấn đền Trần. Ảnh: TTXVN

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương".

Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Tại đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm.

Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “ Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “ Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ.

Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.

Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có đơn giản hơn trước đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục