Các nền kinh tế châu Á cần tăng hợp tác để chữa lành "vết sẹo" do COVID-19

08:41' - 14/05/2021
BNEWS Các nền kinh tế châu Á cần tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm tàng và chữa lành những "vết sẹo lâu dài" mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với sự phát triển kinh tế.

Lời kêu gọi trên được bà Chayawadee Chai-Anant, Giám đốc cấp cao của Ban kinh tế và chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, đưa ra mới đây.

Trước đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực với Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai sửa đổi (CMIM), có hiệu lực vào ngày 31/3.

CMIM được các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của ASEAN+3 và Cơ quan Quản lý tiền tệ của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ký kết.

Theo một tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, thỏa thuận này cho phép sử dụng đồng nội tệ của các nước trên cùng đồng USD để cung cấp tài chính cho CMIM với quy mô cam kết lên tới 240 tỷ USD.

Trao đổi với báo giới, bà Chayawadee nêu rõ: "Chúng ta vốn đã có nền tảng hợp tác bền vững trong lĩnh vực thương mại và tài chính, chỉ cần thúc đẩy điều đó tiến lên phía trước". 

Bà cho hay nếu coi dự trữ ngoại tệ của mỗi quốc gia là "tuyến phòng thủ đầu tiên" chống lại rủi ro tài chính, thì CMIM là "tuyến phòng thủ thứ hai" cần thiết đối với khu vực.

Bà nhấn mạnh việc sửa đổi CMIM được hoàn tất vào "thời điểm hoàn hảo" để đảm bảo sự an toàn cần thiết trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng theo bà Chayawadee, sự khác biệt trong lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và tốc độ tiêm chủng giữa các nước có thể tạo ra những điều kiện tài chính không đồng đều và kéo theo những biến động cũng như làn sóng thoái vốn từ các thị trường mới nổi.

Mặc dù lưu ý thoái vốn có thể là một rủi ro phổ biến ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, song bà cho rằng vấn đề này sẽ không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Bà Chayawadee nhận định việc điều chỉnh hệ thống tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến những xáo trộn tài chính trong khu vực, nhưng sẽ khó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối "khỏe mạnh" và CMIM cũng sẽ góp phần làm ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, bà Chayawadee cũng cảnh báo hàng loạt việc làm "bốc hơi" có thể gây ra thực trạng thiếu lao động có tay nghề cao trong quá trình phục hồi sau đại dịch, đe dọa làm vuột mất các cơ hội kinh tế.

Để tránh những nguy cơ này, bà Chayawadee cho rằng các nền kinh tế cần tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và đào tạo các kỹ năng mới nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, cũng như tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kỹ thuật số.

Bà nhận định: "Nếu chúng ta có cơ sở hạ tầng tốt và sẵn sàng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng mềm như kỹ thuật số và các quy định, điều đó sẽ giúp chúng ta thay đổi để phù hợp với thế giới mới".

Nhận định của bà Chayawadee được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang nỗ lực phục hồi nhờ đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Thái Lan vẫn phải đối mặt với những thách thức do các đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Ngoài ra, các nền kinh tế ASEAN+3 còn đang phải đối mặt với thách thức chung như mức nợ cao có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng - một động lực chính của tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục