Các nền kinh tế hàng đầu châu Á đang theo sát diễn biến thị trường tiền tệ

15:58' - 29/06/2023
BNEWS Các ngân hàng trung ương hàng đầu châu Á đang theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường tiền tệ, khi đồng nội tệ của một số nước đã xuống mức thấp nhất trong 7 tháng trong tuần này (so với đồng USD).

Gần đây, các quan chức tài chính Nhật Bản đã cảnh báo về tình trạng giảm giá “quá mức” của đồng yen. Cuối ngày 27/6, các quan chức Malaysia đã bày tỏ những lo ngại tương tự đối với đồng ringgit, trong khi Trung Quốc ấn định tỷ giá hàng ngày của đồng NDT cao hơn để hỗ trợ đồng tiền này.

 

Những diễn biến trái chiều trên thị trường tiền tệ, trong đó có đồng yen, đồng NDT và đồng USD, đã nhấn mạnh sự khác biệt về lãi suất trong nước và chu kỳ chính sách tiền tệ, khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát dai dẳng, tăng trưởng chậm lại do hậu quả của dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga- Ukraine và khủng hoảng năng lượng.

Từ đầu năm đến nay, so với đồng USD, đồng yen Nhật đã giảm hơn 9%, trong khi đồng ringgit của Malaysia giảm khoảng 6% và đồng NDT của Trung Quốc giảm gần 5%. Cả ba đồng tiền này đã xuống mức thấp nhất trong bảy tháng so với đồng USD trong tháng Sáu và nằm trong số những đồng tiền chịu tổn thương nhiều nhất tại châu Á trong năm nay.

*Nhật Bản

Trong một báo cáo ngày 28/6, bà Carol Kong, một nhà kinh tế và chiến lược gia tiền tệ của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho rằng khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối đang tăng lên. Theo bà Kong, sự can thiệp có thể làm tăng thêm sự biến động của đồng yen.

Sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của BoJ và thắt chặt mạnh mẽ của Fed nhằm kiềm chế lạm phát đang thúc đẩy sức mạnh của đồng USD.

Masato Kanda, một quan chức Nhật Bản, cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường tiền tệ và sẽ phản ứng thích hợp nếu tình hình trở nên quá mức.

Ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng cho biết các nhà chức trách nước này sẽ có hành động thích hợp nếu xu hướng giảm giá của đồng yen trở nên quá mức.

Philip Wee, chiến lược gia ngoại hối cấp cao của DBS dự báo khả năng can thiệp cuả các cơ quan chức năng vào thị trường tiền tệ sẽ ở mức cao nếu đồng tiền này giao dịch ở mức 145-150 yen/USD. Đồng tiền Nhật Bản dao động ở mức khoảng 144 yen/USD trong phiên giao dịch 29/6 tại thị trường châu Á.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Nhật Bản đã dành khoảng 68 tỷ USD để hỗ trợ đồng yen trong ba ngày: 22/9, 21/10 và 24/10 - khi đồng tiền này giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1990.

*Malaysia

Ngày 27/6, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia-BNM) cho biết mức độ mất giá gần đây của đồng ringgit không phản ánh các yếu tố cơ bản của kinh tế nước này.

Ông Adnan Zaylani, trợ lý Thống đốc BNM cho biết ngân hàng này sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn các biến động tiền tệ được coi là quá mức.

Ông Zaylani lưu ý thêm mặc dù giá trị của đồng ringgit sẽ tiếp tục do thị trường quyết định, nhưng BNM hy vọng các biện pháp chính phủ đang được thực hiện nhằm củng cố nền kinh tế sẽ giúp đảm bảo rằng đồng ringgit phản ánh tốt hơn các nhân tố cơ bản của kinh tế nước này.

Theo BNM, sự rõ ràng hơn trong chính sách lãi suất của Fed và các dấu hiệu tích cực từ các biện pháp kích thích của Trung Quốc có thể hỗ trợ cho đồng ringgit và các loại tiền tệ châu Á nói chung.

Trong một lưu ý khách hàng mới đây, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã chỉ ra sự suy giảm trong cán cân thanh toán của Malaysia, khi dòng chảy ra ngoài của nguồn tiền đầu tư và trái phiếu là nguyên nhân chính khiến đồng ringgit suy yếu.

Theo ngân hàng trên, BNM sẽ chỉ can thiệp để giảm bớt sự biến động, thay vì cố gắng thay đổi hướng đi của tỷ giá.

*Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã đặt tỷ giá tham chiếu hàng ngày cao hơn dự kiến cho đồng NDT trong ba trên bốn phiên của tuần này, để kiểm soát tình trạng mất giá của đồng tiền này.

Ngày 28/6, PBoC đã đặt tỷ giá tham chiếu trung bình hàng ngày ở mức 7,2208 NDT/USD, so với ước tính của Reuters là 7,254 NDT/USD. Đồng NDT ít thay đổi trong phiên giao dịch sáng 29/6 tại châu Á và dao động ở mức 7,247 NDT/USD.

Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn khá cẩn trọng trong các biện pháp kích thích kinh tế mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Số liệu chính thức cho thấy trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo JP Morgan, triển vọng thiếu lạc quan về tăng trưởng và chênh lệch lợi suất ngày càng lớn là những vấn đề cốt lõi khiến đồng NDT suy yếu đi, do đó, để đồng NDT mạnh trở lại, hai cơn gió ngược cơ bản này phải giảm bớt một cách lâu dài hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục