Các ngân hàng quy mô nhỏ “lao đao” tìm chỗ đứng trên thị trường tài chính Anh

14:45' - 09/06/2019
BNEWS Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, muốn cạnh tranh với những “người khổng lồ” tài chính nổi tiếng toàn cầu tại thị trường Vương quốc Anh thật sự là những thách thức lớn.

Cho đến hiện tại, người tiêu dùng Anh vẫn đang chật vật để từ bỏ thói quen tìm đến những ngân hàng lớn có tên tuổi mỗi khi cần giao dịch tại chi nhánh hoặc trực tuyến.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Anh, “Big Five” của ngành tài chính nước này – gồm Barclays, HSBC, Lloyds, Royal Bank of Scotland và Santander UK - nắm giữ 63% thị phần ngân hàng bán lẻ tại đây.

Sự thống trị này vẫn tồn tại, bất chấp những "đại gia" trên đều phải trải qua một giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, lãi suất giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và người tiêu dùng gần như không tìm được lý do gì để giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm.

Trong một báo cáo mới đây, chuyên gia Stephen Jones của Hiệp hội thương mại tài chính Vương quốc Anh nói rằng 20 năm qua đã chứng kiến sự củng cố khá đáng kể trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở đây. Chuyên gia này nói rằng cấu trúc của lĩnh vực tài chính thương mại và bán lẻ ở Anh tương đối tập trung, trong đó đáng chú ý là sự vắng mặt của các đối thủ có quy mô tầm trung.

Nghịch lý thay, sự hạn chế về thị trường này lại được củng cố bởi chính cuộc khủng hoảng đã làm lu mờ danh tiếng của các ngân hàng lớn cách đây một thập kỷ.

Big Five, cùng với tổ chức tài chính chuyên về thế chấp mua nhà Nationwide, sở hữu lượng tài sản thuộc lĩnh vực ngân hàng bán lẻ có giá trị khoảng 1.800 tỷ bảng ( tương đương 2.300 tỷ USD). Trong khi đó, các đối thủ của họ chỉ có tổng cộng 360 tỷ bảng.

Mặc dù tương đối nhỏ, thị trườngcác ngân hàng tầm trung có rất nhiều tên tuổi như Metro Bank, TSB (ngân hàng con của Banco Sabadell thuộc Tây Ban Nha) và CYBG. Song những cái tên mới nổi lại có rất ít điểm chung ngoài việc hay được lên báo về những vụ bê bối.

Gần đây nhất là vụ Metro Bank phải trấn an 1,7 triệu khách hàng của họ rằng ngân hàng này vẫn đứng vững sau một loạt những biến cố trong thời gian vừa qua. Lợi nhuận của Metro Bank đang trên đà suy giảm sau màn ra mắt khá hoành tráng vào năm 2010. Ngân hàng này sắp tới cũng sẽ bị điều tra về việc đã phân loại "nguy cơ thấp" cho các khoản vay bất động sản nhiều rủi ro.

Rắc rối của Metro Bank diễn ra vài tháng sau khi một ngân hàng khác là TSB bị ảnh hưởng lỗi máy tính trên toàn hệ thống do cập nhật phần mềm, khiến hàng triệu khách hàng mất quyền truy cập vào trang web và ứng dụng của ngân hàng này.

Sự cố đã buộc TSB phải “chia tay” với một số nhân sự cấp cao cùng khoản đền bù gần 300 triệu USD - một khoản tiền khổng lồ đối với một ngân hàng đã tách khỏi “đại gia” Lloyds Banking Group để thử vận may vào năm 2013.

Ngoài những vấn đề cá nhân, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn còn phải vượt qua nhiều rào cản liên quan đến quản lý hơn, qua đó khiến chi phí của họ đặc biệt cao. Các ngân hàng này phải đủ mạnh về tài chính để thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận đi theo họ - một nhiệm vụ vô cùng phức tạp bởi những bất ổn do Brexit dường như chưa có hồi kết./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục