Các nhà bán lẻ thời trang dư thừa nguồn cung

08:06' - 17/02/2021
BNEWS Các nhà bán lẻ thời trang ở châu Âu và Mỹ đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung và cắt giảm đơn đặt hàng cho mùa Xuân.
Ngành may mặc toàn cầu, vốn vẫn đang quay cuồng sau một năm 2020 biến động, tiếp tục chứng kiến hy vọng phục hồi bị phá vỡ bởi một loạt biện pháp phong tỏa mới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng với việc triển khai vaccine bị gián đoạn.

Các nhà bán lẻ thời trang ở châu Âu và Mỹ đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung và cắt giảm đơn đặt hàng cho mùa Xuân. Các đại lý cung ứng phải đối mặt với việc thanh toán chậm, còn các nhà máy may mặc ở Bangladesh đang chịu tác động mạnh.

Một số nhà bán lẻ lớn vẫn đang bán quần áo của năm ngoái, trong khi những quần áo này có thể đã được bán hết trong thời gian "xả hàng" thông thường. Chẳng hạn như, chuỗi cửa hàng Primark của Anh, cho biết hãng còn tồn số lượng hàng (quần áo) Xuân/Hè trị giá khoảng 150 triệu bảng Anh (205 triệu USD) và 200 triệu bảng hàng Thu/Đông của năm 2020.

Trong báo cáo về lượng tồn kho, công ty tư vấn McKinsey cho biết giá trị của quần áo chưa được bán trên toàn thế giới, trong các cửa hàng và nhà kho, dao động từ 140-160 tỷ euro (168-192 tỷ USD), cao hơn gấp đôi mức bình thường.

Marks & Spencer của Anh và Hugo Boss của Đức cho biết đã đặt các đơn hàng ít hơn bình thường cho bộ sưu tập mùa Xuân năm nay.

Ron Frasch, cựu chủ tịch Saks Fifth Avenue, hiện đang là đối tác điều hành của công ty cổ phần tư nhân Castanea Partners, công ty hợp tác với một số thương hiệu may mặc, cho hay các nhà bán lẻ chỉ “ôm” khối lượng hàng nhỏ, và thời gian sản xuất ngắn.

Trả lời hãng tin Reuters, đại lý Li & Fung có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), quản lý hơn 10.000 nhà máy tại 50 quốc gia, chuyên “xử lý” các đơn hàng của các nhà bán lẻ thời trang trên toàn cầu, cho biết một số nhà bán lẻ đã đề nghị thanh toán chậm hơn, nhưng từ chối cung cấp thông tin cụ thể.

Theo đó, tác động dây chuyền này đang đổ dồn đến các trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn như Bangladesh, nơi có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng dệt may. Các nhà máy đang phải vật lộn để duy trì hoạt động.

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh tiến hành khảo sát 50 nhà máy cho biết các nhà máy này đã nhận được đơn đặt hàng ít hơn 30% so với thường lệ trong mùa này, do các đợt phong tỏa trước Giáng sinh ở châu Âu, sau đó là một đợt hạn chế khác vào tháng 1/2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của họ.

Shahidullah Azim, chủ nhà máy có trụ sở tại Dhaka, có khách hàng gồm các nhà bán lẻ Bắc Mỹ và châu Âu, cho biết các đơn đặt hàng thường đến trước ba tháng, nhưng hiện không có đơn đặt hàng nào cho tháng 3/2021. Ông Shahidullah Azim nói rằng nhà máy của ông đang hoạt động với 25% công suất.

Miran Ali, người đại diện cho Star Network, một liên minh của các nhà sản xuất ở 6 quốc gia châu Á, và đồng thời đang sở hữu bốn nhà máy ở Bangladesh, cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Công ty tái chế hàng dệt Parker Lane Group nói với hãng tin Reuters rằng việc đóng cửa hàng có nguy cơ xảy ra vào mùa Hè tới, khi một số nhà bán lẻ đang cố gắng bán bớt lượng hàng dư thừa càng nhiều càng tốt trước khi đặt hàng mới.

Theo Euromonitor, năm 2020 là năm tồi tệ đối với ngành may mặc khi doanh số bán hàng giảm khoảng 17% so với năm 2019 và tương lai không chắc chắn.

Có vài kịch bản cho ngành may mặc trong năm 2021. Đó là doanh số giảm 15% do công ty McKinsey đưa ra hay mức tăng 11% từ Euromonitor./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục