Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á thận trọng chờ số liệu lạm phát của Mỹ

16:06' - 13/03/2018
BNEWS Các nhà đầu tư chứng khoán ở châu Á thận trọng trong phiên 13/3 khi sự phục hồi trên toàn cầu yếu đi, trong lúc căng thẳng thương mại quay trở lại và các thị trường đang chờ số liệu lạm phát của Mỹ.
Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á thận trọng chờ số liệu lạm phát của Mỹ. Ảnh: Live Index
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên tăng 0,66%, hay 144,07 điểm, lên 21.968,1 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 7,12 điểm, lên 31.601,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,49%, xuống 3.310,24 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,42%, hay 10,37 điểm, lên 2.494,49 điểm.

Báo cáo việc làm tích cực của Mỹ được công bố cuối tuần trước và quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh vào cuối tuần trước, phân tán sự chú ý của nhà đầu tư về kế hoạch đánh thuế của Mỹ và những lo ngại về một cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, những lo ngại lại xuất hiện sau khi cuộc đàm phán giữa giới chức thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tuần trước không đạt tiến triển trong việc tháo ngòi những bất đồng xung quanh mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ nhằm vào thép và nhôm. Trong một nỗ lực khác Tổng thống Trump thông báo Bộ trưởng Thương mại nước này Wilbur Ross sẽ đàm phán với các đại diện của EU về việc giảm hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa của Mỹ.

Sự chú ý hiện đang được hướng đến số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố cùng ngày 13/3 để dự đoán về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất. Số liệu lạm phát cao có thể gây sức ép lên thị trường vốn đã lo ngại lãi suất tăng sẽ tác động lên môi trường đầu tư.

Theo người phụ trách giao dịch ở châu Á-Thái Bình Dương tại OANDA, Stephen Innes, các nhà đầu tư chứng khoán khó có thể không lo ngại về cuộc chiến thương mại và đang có tâm lý thận trọng dù số liệu việc làm tích cực. Ông cho rằng sự chú ý đang được hướng đến số liệu lạm phát của Mỹ, khi con số gây bất ngờ của tháng trước đã khiến các thị trường biến động.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD lên giá nhưng vẫn chịu sức ép so với đồng yen, khi các nhà giao dịch lo ngại sau vụ bê bối bán đất công liên quan đến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Đồng bạc xanh được cho là sẽ giảm xuống dưới 100 yen lần đầu tiên kể từ năm 2016, khi chương trình kích thích hậu khủng hoảng của Nhật Bản sẽ được rút dần.

>> Xem thêm: EU chỉ trích Tổng thống Mỹ về ý định miễn thuế thép và nhôm cho từng quốc gia riêng rẽ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục