Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi)

10:46' - 29/09/2017
BNEWS Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV.
Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị "Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội, đến nay, Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã nhận được ý kiến đóng góp của 50 đoàn đại biểu Quốc hội.

Tại hội thảo này sẽ ghi nhận tiếp các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV.

Ông Minh cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau tập trung tại một số nội dung lớn về chính sách của nhà nước đối với việc hỗ trợ mua bảo hiểm; nguồn tài chính cho phát triển nguồn lợi thuỷ sản; giao, cho thuê, mặt nước để nuôi trồng thủy sản...

PGS. TS Đinh Xuân Thảo - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) lần này cần chỉnh sửa một số điểm tại Điều 6 về chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Đặc biệt, việc hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho tàu cá đi khai thác thủy sản xa bờ; nuôi trồng thuỷ sản trên biển, hải đảo (quy định tại điểm d) là rất có ý nghĩa đối với chiến lược kinh tế biển kết hợp an ninh quốc phòng trên biển, đảo.

Ngoài ra, cần quy định bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển dài ngày khai thác thuỷ sản xa bờ kếp hợp phục vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thuỷ sản cũng cần quy định rõ hơn về việc khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động (khoản 3 Điều 6).

Liên quan đến việc giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản (Mục 4 Chương 3), PGS. TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, cần có quy định đối với chương trình, đề tài, dự án khoa học của cơ quan nghiên cứu Việt Nam thực hiện ngoài 6 hải lý thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định giao mặt nước biển.

Đăng kiểm tàu cá được thực hiện xã hội hoá là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên đây là loại hình hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng trong quy định pháp luật hiện hành chưa có nên cần được bổ sung để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo ông Thảo, cơ quan kiểm ngư được thành lập tại trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Quy định như vậy để đảm bảo thống nhất về tổ chức và chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngư từ trung ương đến địa phương trong cả nước.

Một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) cần quy định rõ việc sử dụng các nguồn tài chính (ngân sách, Quỹ, khác). Ví dụ: nguồn ngân sách sử dụng cho việc điều tra, nghiên cứu; Quỹ hoặc nguồn khác sử dụng để vận hành, quản lý. Bên cạnh đó, cần có quy định về điều kiện đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong bảo quản, chế biến thuỷ sản.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục