Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu

14:30' - 01/11/2021
BNEWS Tổng thống Mỹ Joe Biden và 16 nhà lãnh đạo thế giới ngày 31/10 đã thảo luận về hành động để giúp chuỗi cung ứng linh hoạt hơn khi đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng sức khỏe nào trong tương lai.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã nổi lên khi nền kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi tình trạng sụt giảm do đại dịch COVID-19 và có nguy cơ làm chậm đà phục hồi. Vấn đề chuỗi cung ứng đã gây ra lạm phát trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng với các nhà lãnh đạo thế giới, bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy, Tổng thống Biden nhấn mạnh các nước phải hành động ngay bây giờ, cùng phối với hợp các đối tác trong lĩnh vực tư nhân, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng mà thế giới đang phải đối mặt, đồng thời ngăn chặn điều này có thể tái diễn trong tương lai.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần tăng cường khả năng phục hồi khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai, và thậm chí cả các cuộc tấn công có kế hoạch.

Ngoài Mỹ, các nhà lãnh đạo và đại diện từ Liên minh châu Âu (EU), Australia, Anh, Canada, CHDC Congo, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore và Tây Ban Nha đã tham gia cuộc họp này.

Một bản tóm tắt bằng văn bản của Nhà Trắng về các cuộc đàm phán này cho thấy các nước bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác để giúp chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Ngoài ra, các nước nhất trí hợp tác minh bạch và chia sẻ thông tin giữa các nước với nhau và về các nhà cung cấp nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và thành phẩm đáng tin cậy.

Văn bản của Nhà Trắng cho thấy sự cởi mở và tương tác có thể thúc đẩy sự phản ứng nhanh đối với những gián đoạn đối với chuỗi cung ứng, giống như những gián đoạn mà toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay, cũng như tránh mọi hạn chế thương mại không cần thiết và duy trì dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết đối với vấn đề an ninh, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng công nghệ, và điều kiện làm việc công bằng và bền vững, đồng thời cho biết các nước sẽ phối hợp với khu vực tư nhân để đạt được những mục tiêu này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục