Các nhà xuất khẩu Thái Lan quan ngại khi đồng baht tăng giá

09:40' - 15/01/2023
BNEWS Việc đồng baht tăng giá thời gian gần đây đang khiến các nhà xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp của Thái Lan lo lắng, nhất là trong bối cảnh Chỉ số quản lý sức mua (PMI) toàn cầu tiếp tục ở mức thấp.
Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan cho biết, đồng baht đang có chuỗi tăng giá dài nhất trong gần 6 năm qua, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Thái Lan trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải vật lộn với việc giá điện và lãi suất tăng.

Trong khi đó, ông Suparp Suwanpimolkul, Phó Chủ tịch Hội đồng vận chuyển Thái Lan (TNSC), cho biết các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc ấn định giá bán sản phẩm do việc đồng baht tăng giá nhanh hơn dự kiến trong thời gian gần đây.
 
Đồng baht đã tăng 13% so với đồng USD kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua là 38 baht đổi 1 USD vào tháng 10/2022. Tỷ giá hối đoái liên ngân hàng do Ngân hàng Trung ương Thái Lan niêm yết cuối hôm 10/1 là 33,491 baht đổi 1 USD, mức cao nhất trong 9 tháng qua.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn điến việc đồng baht tăng giá xuất phát từ sự kỳ vọng hàng triệu khách du lịch Trung Quốc sẽ quay trở lại giúp làm tăng ngân sách của Thái Lan. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có nghĩa là nhiều sản phẩm của nước này sẽ được đưa vào thị trường Thái Lan.

Ông Kriengkrai nhấn mạnh: “Thái Lan sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá ngày càng tăng và một đồng tiền mạnh sẽ không có lợi cho Thái Lan”.

Bên cạnh đó, dòng tiền nóng đổ vào Thái Lan cũng ngày càng nhiều, ước tính có khoảng 60 tỷ baht (1,8 tỷ USD) vốn nước ngoài đã đổ vào trái phiếu đáo hạn trong vòng chưa đầy một năm.

Việc đồng baht tăng giá cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Thái Lan được dự báo sẽ chỉ tăng từ 6-6,5% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu đề ra là 7-8%.

Ông Chaichan Chareonsuk, Chủ tịch TNSC cho biết giá trị các chuyến hàng xuất khẩu của Thái Lan trong quý IV năm 2022 dự kiến sẽ giảm tới 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan hôm 27/12/2022, giá trị hàng hóa xuất khẩu đã thông quan của nước này trong tháng 11/2022 chỉ đạt 22,3 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021 do suy thoái kinh tế toàn cầu và các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 5,6% và đạt 23,6 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 1,34 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022, xuất khẩu của Thái Lan đạt 265 tỷ USD trong khi nhập khẩu là 280 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 15 tỷ USD.

Theo ông Chaichan, dự kiến xuất khẩu của Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp (từ 1-3%) trong năm nay, với các yếu tố rủi ro chính xuất phát từ bất ổn kinh tế toàn cầu, tỷ giá hối đoái biến động, nhu cầu toàn cầu ở mức thấp, cũng như tác động từ các xung đột địa chính trị.

Trong khi đó, ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế tại trường đại học trực thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho hay xuất khẩu của Thái Lan vào năm 2023 có thể chỉ tăng 1% và đạt khoảng 295 tỷ USD, mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm qua.

Ông Aat Pisanwanich lưu ý rằng các yếu tố rủi ro vẫn còn nhiều, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột tại Ukraine (U-crai-na) kéo dài, giá năng lượng tương đối cao, chi phí nguyên vật liệu tăng, lạm phát cao và dự kiến lãi suất của Mỹ sẽ tăng.

Ông Aat dự báo xuất khẩu của Thái Lan trong quý đầu tiên của năm 2023 sẽ giảm 1,8-3,4% so với cùng kỳ năm ngoái do các đơn đặt hàng từ các đối tác thương mại chính chậm lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục