Các nước ASEAN bắt đầu "cai nghiện" nhiên liệu hóa thạch

20:00' - 16/08/2021
BNEWS Các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu rời xa dầu mỏ, than đá và các tài nguyên gây ô nhiễm khác.

Theo tờ Nikkei Asia, các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu rời xa dầu mỏ, than đá và các tài nguyên gây ô nhiễm khác, xuất phát từ lực đẩy toàn cầu nhằm cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tổng công ty điện lực Perusahaan Listrik Negara (PLN) của Indonesia đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và có kế hoạch chuyển công suất than hiện nay sang năng lượng tái tạo từ năm 2025-2060.

Quá trình chuyển đổi dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức tại Đông Nam Á, nơi nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò trung tâm trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng đang bùng nổ.

Đặc biệt, ngành công nghiệp khai thác than đá là một trụ cột kinh tế của Indonesia, vốn đã tích cực khai thác nguồn dự trữ khổng lồ để đáp ứng nhu cầu điện năng của mình. 

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, 48% năng lượng của quốc gia này có nguồn gốc từ than đá. Đây có thể là một yếu tố cản trở Jakarta cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon giống như nhiều nền kinh tế lớn khác.

Xu hướng hiện nay là "quay lưng" với than đá. Công ty thương mại Mitsui & Co. của Nhật Bản đã công bố kế hoạch bán cổ phần một nhà điều hành các nhà máy nhiệt điện chạy than ở Indonesia, trong khi chính phủ nước này đang xem xét đánh thuế carbon.

Trong bối cảnh Indonesia bổ sung thêm nhiều năng lượng tái tạo vào hỗn hợp năng lượng của mình, nước này cũng đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp xe điện (EV) trong nước. 

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu ô tô chạy bằng xăng ngày càng tăng khiến nhập khẩu dầu mỏ tăng vọt và Chính phủ Indonesia hy vọng việc chuyển đổi sang EV có thể giúp làm giảm tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu hóa thạch này.

Hiện chính quyền Indonesia đang khuyến khích các công ty thuộc khu vực tư nhân đầu tư xây dựng các trạm sạc dành cho EV, với mục tiêu dự kiến xây mới 168 trạm sạc vào cuối năm nay.

Jakarta đang tìm cách nâng tỷ lệ EV lên mức 20% tổng doanh số bán xe ô tô mới vào năm 2025, đồng thời hy vọng thu hút các công ty nước ngoài sản xuất pin EV tại nước này nhờ nguồn dự trữ nickel dồi dào.

Các xu hướng tương tự đang diễn ra trên toàn khu vực. Thái Lan đang soạn thảo kế hoạch trung hòa carbon để trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu nâng sản lượng EV lên 30% tổng sản lượng ô tô vào năm 2030, thậm chí có thể đặt mục tiêu tham vọng hơn trước COP26.

Bangkok cũng đang xem xét yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo lượng phát thải khí nhà kính và bắt các công ty không tuân thủ phải nộp phạt. Theo truyền thông địa phương, Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) mới đây đã "đóng băng" kế hoạch xây dựng hai nhà máy nhiệt điện chạy than mới.

Tại Việt Nam, các ưu đãi thuế dành cho EV cũng đang được xem xét, bao gồm cả việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. Tập đoàn Vingroup đang xây dựng dòng EV của riêng mình với kế hoạch bán hàng bắt đầu vào tháng 11 tới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ gặp khó khăn trong việc loại bỏ than đá trong bối cảnh nhu cầu năng lượng đang tăng vọt. Hồi năm 2019, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu nhiên liệu của khu vực này sẽ tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2018-2040.

Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của quốc tế sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Hồi tháng Sáu vừa qua, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp 10 tỷ USD cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tài trợ cho các nỗ lực cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục