Các nước EU tìm mọi cách để đối phó với lạm phát

05:30' - 02/08/2022
BNEWS Trong khi Pháp và Italy là những quốc gia hào phóng nhất trong việc hỗ trợ sức mua, thì Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã quyết định đánh thuế siêu lợi nhuận đối với các công ty năng lượng

Giảm giá nhiên liệu, kiểm soát giá năng lượng, viện trợ xã hội là một loạt biện pháp đã và đang được các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) triển khai để giảm thiểu cú sốc lạm phát. Tỷ lệ lạm phát đã lên tới 8,6% trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tháng 6/2022 và sẽ có thể lên tới 10% vào mùa Thu tới.

Theo nhật báo Le Figaro, trong khi Pháp và Italy là những quốc gia hào phóng nhất trong việc hỗ trợ sức mua, thì Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã quyết định đánh thuế siêu lợi nhuận đối với các công ty năng lượng. Đối mặt với lạm phát, Đức, Hà Lan, Ba Lan cũng đều áp dụng một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu cú sốc về giá sinh hoạt cho người dân của mình.

Để kiềm chế tốc độ phi mã của lạm phát (15,6% trong tháng 6/2022), Ba Lan buộc phải ngừng thu thuế VAT đối với các sản phẩm thực phẩm và giảm thuế này đối với điện, khí đốt và nhiên liệu trong nước. Bỉ và Hà Lan cũng đã áp dụng chính sách giảm thuế VAT với các loại năng lượng. 

Tại Vương quốc Anh, Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - một trong những ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson - đề xuất tạm dừng thu thuế VAT đối với năng lượng trong nước, một biện pháp trị giá khoảng 5 tỷ euro (khoảng 5,12 tỷ USD) bổ sung vào kế hoạch hỗ trợ đã được triển khai vào cuối tháng Năm.

Pháp được đánh giá là kiềm chế lạm phát có hiệu quả, với lạm phát ở mức 6,5% trong tháng Sáu theo chỉ số châu Âu và 5,8% theo Cơ quan thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE), con số này thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với mức trung bình của EU. 

Nước này cũng đã lên kế hoạch chi bổ sung thêm 20 tỷ euro, đưa dự chi ngân sách quốc gia lên khoảng 45 tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ sức mua kể từ mùa Thu tới. Các biện pháp chủ yếu xoay quanh hai hình thức hỗ trợ chính là "séc trợ giá" cho các hộ gia đình và "lá chắn thuế quan" để bù đắp giá năng lượng và nhiên liệu ngày càng tăng.

* "Phúc lợi xã hội" về điện ở Italy

Italy mới đây thông báo một kế hoạch mới được coi như là “món quà cuối cùng” mà Thủ tướng Mario Draghi dành cho người Italy trước khi kết thúc sớm nhiệm kỳ của ông. Ông Mario Draghi đã chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ sức mua trị giá 14,3 tỷ euro. Gói cứu trợ này, được xem như là biện pháp "can thiệp khẩn cấp", bổ sung thêm vào gói 33 tỷ euro đã được thông qua. Điều này khiến Italy trở thành quốc gia hào phóng nhất trong việc hỗ trợ sức mua để đối phó với lạm phát.

Theo kế hoạch này, các biện pháp trợ giúp hiện đang được áp dụng sẽ tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Cụ thể là, một số khoản lệ phí về điện và khí đốt, chiếm 20% hóa đơn tiền điện, sẽ tiếp tục được hủy bỏ đến cuối năm. Việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 30,5 xu/lít đối với xăng và dầu diesel, và 10,5 xu đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), được gia hạn đến cuối tháng Tám, và nếu cần sẽ có thể được gia hạn tiếp đến giữa tháng Mười. Các khoản miễn giảm này trị giá khoảng 940 triệu euro/tháng. 

Ngoài ra, thuế VAT đối với khí thiên nhiên giảm xuống còn 5%. "Phiếu trợ giá điện" có giá trị 200 euro, đã được chi vào đầu tháng Bảy cho 31 triệu công nhân có thu nhập hàng năm dưới 12.000 euro, sẽ có thể được mở rộng cho những người có thu nhập hàng năm dưới 35.000 euro/năm.

* Tây Ban Nha đánh thuế siêu lợi nhuận

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez muốn đánh thuế của những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ việc tăng giá để giúp đỡ những nạn nhân của lạm phát. Đó là cách nói ngắn gọn, dẫn giải các biện pháp mới nhất được công bố vào giữa tháng Bảy của Thủ tướng nước này. Theo đó, các ngân hàng và tập đoàn năng lượng lớn sẽ phải chịu các loại thuế đặc biệt nhằm giúp ngân sách thu về được 7 tỷ euro trong hai năm. Đối với các ngân hàng, mục tiêu của chính phủ là thu về 1,5 tỷ euro mỗi năm bằng cách đánh thuế các tổ chức tài chính đạt trên 1 tỷ euro doanh thu. Đối với các nhà cung cấp khí đốt, dầu mỏ và điện lớn, họ sẽ phải gánh chịu cho mức thu thuế cao hơn khi doanh thu 2 tỷ euro mỗi năm. Hai nguồn thu thuế này sẽ được tích hợp vào ngân sách năm 2023.

Về mặt chi tiêu, có hai biện pháp hỗ trợ chính. Đầu tiên là cấp thẻ đi tàu miễn phí với các phương tiện đường sắt nội đô và ngoại ô trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến ngày 31/12/2022. Cũng trong thời gian đó, khoảng 1 triệu học sinh trung học và sinh viên hưởng học bổng sẽ được nhận thêm một khoản trợ cấp 100 euro mỗi tháng. Gói hỗ trợ cho việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, lắp đặt hệ thống pin Mặt Trời hoặc mua xe điện cũng đã được lên kế hoạch.

Trước đó, nước này cũng đã áp dụng hai gói hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tương đương với khoảng 15 tỷ euro. Cụ thể là trợ cấp nhiên liệu tại các cây xăng, hỗ trợ một lần 200 euro cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, giảm thuế VAT và biểu giá ưu đãi cho điện, trợ cấp cho lĩnh vực giao thông, hoặc khống chế giá tăng trần cho thuê nhà.

* Đức bật đèn xanh để tăng lương tối thiểu

Tính đến tháng Sáu, Đức đã chi khoảng 30 tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ hộ gia đình và điều này đã giúp lạm phát trong tháng 6/2022, lần đầu tiên kể từ nhiều tháng nay, giảm xuống còn 7,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng Năm. Tất cả người đóng thuế đều nhận được séc hỗ trợ năng lượng 300 euro, cộng thêm 100 euro cho những người dễ bị tổn thương nhất và 100 euro cho mỗi trẻ em. Biện pháp áp dụng mức giá duy nhất 9 euro cho vé tàu trong vùng đã đạt được thành công lớn.

Để hỗ trợ người lao động, mới đây, Quốc hội Đức đã thông qua việc tăng mức lương tối thiểu theo giờ lên 12 euro từ ngày 1/10. Đây là một biện pháp hàng đầu trong kế hoạch của Thủ tướng Olaf Scholz nhằm đối phó với lạm phát phi mã. Biện pháp này giúp cải thiện mức thu nhập của gần 6,2 triệu nhân viên trong tổng số 45,2 triệu lực lượng lao động, đồng thời thúc đẩy sức mua tổng thể thêm 4,8 tỷ euro trong nền kinh tế hàng đầu châu Âu, theo Liên đoàn Công đoàn Đức (DGB).

Nhưng theo một cuộc khảo sát của tổ chức người sử dụng lao động "Familienunternehmen" với 800 thành viên, 89% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại rằng biện pháp này sẽ làm tăng chi phí của họ, kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm, và cuối cùng dẫn đến sự gia tăng lạm phát hơn nữa.

Hầu hết các nước châu Âu đều có các biện pháp đối phó với lạm phát, nhưng do áp dụng theo kiểu "mạnh người nào, người ấy chạy" nên thiếu đi một sự phối hợp đồng bộ - vốn luôn được kêu gọi trong mỗi cuộc họp ở trụ sở của EU.

Pierre Jaillet, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) và Viện Jacques Delors chuyên về nghiên cứu chiến lược và tư vấn châu Âu, nhấn mạnh: "Vào thời điểm mà các chính sách cần phải xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, thì các chính phủ lại hành động theo kiểu mạnh ai nấy làm, không nhất quán nên thường mang lại những kết quả thiếu trọn vẹn. Ngoài ra, trong khi chính sách tài khóa của mỗi nước được áp dụng một cách rộng rãi, thì chính sách tiền tệ lại có phần bị hạn chế do tăng lãi suất - điều này sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột có phần nguy hiểm trong chính sách kinh tế ở khu vực đồng euro".

Sau giai đoạn áp dụng chính sách "bằng bất cứ giá nào" để phục hồi kinh tế, các nước đều đặt ra mục tiêu khôi phục lại nguồn tài chính công. Nhưng các biện pháp để đối phó với lạm phát hiện nay lại đang khiến thâm hụt ngân sách tiếp tục gia tăng. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ rằng sự hỗ trợ lớn cho kích cầu này cuối cùng vẫn không chấm dứt được lạm phát, khi cả khu vực vẫn phải đối mặt với cú sốc về nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục