Viễn cảnh đen tối của một châu Âu thiếu khí đốt trong mùa Đông năm nay

05:30' - 25/07/2022
BNEWS Dự báo về viễn cảnh một mùa Đông "thiếu hơi ấm", nhật báo Les Echos dẫn cảnh báo của IMF, cho rằng EU có thể chống chịu được khi 70% nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
Hệ thống đường ống của trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, trong trường hợp toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang “lục địa Già” bị gián đoạn thì mùa Đông tới có thể sẽ rất khó khăn đối với một số quốc gia ở Trung và Đông Âu.
 
Giữa tháng Bảy, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã tới Algeria để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt. Cũng trong dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Azerbaijan để thảo luận về việc tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu trong một vài năm tới. Quan hệ hợp tác năng lượng cũng đã được ký giữa Pháp và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất…
 
Có thể thấy, châu Âu đang tìm mọi cách có thể để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể đến. Đó là việc nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ bị ngừng hoàn toàn.

Mức độ khẩn cấp của tình hình là rõ ràng, đặc biệt là sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 20/7 công bố các báo cáo về tác động kinh tế của việc ngừng cung cấp khí đốt Nga đến các nước Liên minh châu Âu (EU). Thể chế tài chính này chỉ ra rằng mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của EU là khoảng 400 tỷ m3. Trong tổng số này, khoảng 285 tỷ m3 được nhập khẩu qua đường ống và 145 tỷ m3 đến từ Nga. Điều này là để nói lên tác động tiềm tàng đáng sợ nếu toàn bộ khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
 
Ở thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng châu Âu và nguồn cung toàn cầu có thể giúp khu vực này chống chịu được sự sụt giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga kể từ tháng 6/2022, bằng cách thay thế bằng nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
 
Đối với cơ chế đa phương, việc cắt giảm tới 70% nguồn cung khí đốt từ Nga là có thể quản lý được trong ngắn hạn nhờ các nguồn cung cấp khác và nguồn năng lượng khác. Ngoài ra, việc tăng giá năng lượng cũng sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng. Nhìn chung, EU có thể tránh được tình trạng thiếu hụt nếu việc giao hàng của Nga tiếp tục ở mức giảm hiện tại hoặc nếu có sự gián đoạn hoàn toàn nhưng tạm thời chỉ trong mùa Hè. Ngược lại, nếu việc cung cấp khí đốt của Nga gián đoạn hoàn toàn trong mùa Đông tới thì tình hình sẽ rất thảm khốc.
 
IMF cảnh báo việc thiếu nguồn cung khí đốt sẽ buộc EU phải giảm mức tiêu thụ trong mùa Đông (từ đầu tháng 11 đến cuối tháng Ba) thêm khoảng 12%, tương đương 36 tỷ  m3 khí đốt. Một mùa Đông đặc biệt khắc nghiệt thậm chí sẽ dẫn đến việc châu lục này buộc phải tiết kiệm thêm 30 tỷ m3 khí đốt.
 
Một cú sốc như vậy có thể khiến các chính phủ lựa chọn việc bảo vệ các hộ gia đình, các dịch vụ thiết yếu và các ngành công nghiệp chiến lược, đồng thời chấp nhận thiệt hại đối với các ngành công nghiệp không được bảo vệ khác.
 
Trong kịch bản nguồn cung ngừng toàn bộ, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng có thể xuất hiện ở một số quốc gia Trung và Đông Âu. Đối với Hungary, Cộng hòa Slovakia và Cộng hòa Czech, tình trạng thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến 40% lượng khí đốt tiêu thụ của họ. Tăng trưởng của những quốc gia này có thể bị suy giảm 6%. Ảnh hưởng đối với Áo, Đức và Italy cũng đáng kể. Ở Italy, tổn thất đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ vào khoảng 3,5%.
 
Đối với Đức và Áo, mức suy giảm kinh tế sẽ vào khoảng 2%. Trong khi đó, kịch bản nhẹ nhàng hơn sẽ được chứng kiến ở những nơi như Vương quốc Anh, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Đan Mạch.
 
Đây là những quốc gia ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga và vì thế họ có thể thích nghi với sự gián đoạn nguồn cung cấp như vậy. Pháp, Hà Lan và Bỉ ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung này đồng thời cũng có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn nhập khẩu LNG và các tuyến đường cung cấp đường ống khác.
 
Vì vậy, họ có thể thích nghi được và chủ yếu sẽ chỉ phải đối mặt với một cú sốc về giá chứ không lo thiếu hụt khí đốt. Tác động lên GDP sẽ được giới hạn ở mức 1% đối với Tây Ban Nha và Pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục