Các nước phát triển cam kết huy động 100 tỷ USD/năm chống biến đổi khí hậu

06:46' - 19/10/2016
BNEWS Các nước phát triển tin tưởng sẽ thực hiện được cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nước phát triển cam kết huy động 100 tỷ USD/năm chống biến đổi khí hậuẢnh minh họa. Nguồn: THX/TTXVN

Cam kết về việc tăng mạnh số tiền tài trợ, được đưa ra lần đầu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào năm 2009 để giúp các nước nghèo giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với tình trạng Trái Đất ấm lên, là điều kiện quyết định để tất cả các chính phủ ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh vào năm ngoái.

Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11, sau khi nhận được sự phê chuẩn của các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Theo báo cáo, chỉ riêng các cam kết mới của hơn 30 nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Canada và Australia trong năm 2015 đã nâng số tiền tài trợ của lĩnh vực công từ 44 tỷ USD năm 2014 lên 67 tỷ USD vào năm 2020.

Đây là con số được đưa ra dựa trên tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về nguồn tài trợ của các chính phủ và các ngân hàng phát triển đa phương, không phải từ đóng góp của lĩnh vực tư. Báo cáo cho biết nguồn tài trợ từ lĩnh vực công gia tăng sẽ giúp huy động 33 tỷ USD từ lĩnh vực tư vào năm 2020.

Khoản tiền này có ý nghĩa đối với các nước nghèo trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo và chống lại những tác động của biến đối khí hậu như bão, hạn hán hay mực nước biển dâng cao.

Báo cáo với chữ ký của 38 quốc gia phát triển và Ủy ban châu Âu ký được công bố tại một cuộc họp ở Marrakesh, Marocco, để chuẩn bị cho Hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong một báo cáo hàng năm được công bố cùng ngày, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc đã cảnh báo, nếu thế giới không hành động khẩn cấp, tới năm 2030, tình trạng biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 122 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, chủ yếu tập trung tại khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục