Các nước Trung Đông tìm kiếm nguồn vốn vay tại châu Á-Thái Bình Dương

08:00' - 02/07/2025
BNEWS Chỉ trong vài tuần gần đây, các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ Trung Đông đã thực hiện các khoản vay trị giá hơn 2 tỷ USD nhằm tiếp cận thanh khoản từ những ngân hàng châu Á.
Các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ở Trung Đông đang đẩy mạnh việc vay qua hình thức cho vay hợp vốn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giữa bối cảnh họ muốn mở rộng kênh huy động vốn ngoài thị trường trái phiếu quốc tế và thị trường nội địa.
 

Chỉ trong vài tuần gần đây, các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ Trung Đông đã thực hiện các khoản vay trị giá hơn 2 tỷ USD nhằm tiếp cận thanh khoản từ những ngân hàng châu Á, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD của Saudi Electricity, khoản vay 750 triệu USD của Banque Saudi Fransi và gói tài chính trị giá 500 triệu USD cho Al Ahli Bank of Kuwait.

Nhu cầu tìm kiếm nguồn vốn ngoài thị trường nội địa của các nước vùng Vịnh ngày càng tăng, khi nhiều nền kinh tế trong khu vực đẩy mạnh những chương trình đa dạng hóa kinh tế tốn kém, trong khi giá dầu thấp tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng và ngân sách của các quốc gia này.

Saudi Arabia hiện đang đối mặt với thâm hụt ngân sách, do giá dầu hiện nay thấp hơn nhiều so với mức 92 USD/thùng – ngưỡng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho là cần thiết để cân đối ngân sách nước này. Điều này buộc Chính phủ và doanh nghiệp Saudi Arabia tăng cường vay nợ để tài trợ cho chương trình cải cách trị giá 2.000 tỷ USD của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman. Bên cạnh đó, Qatar, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng có các kế hoạch kinh tế đòi hỏi đầu tư lớn trong nhiều năm nhằm giảm phụ thuộc vào những nguồn năng lượng truyền thống.

Ông Amit Lakhwani, Giám đốc toàn cầu bộ phận hợp vốn tín dụng tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định: “Với nhu cầu vay vốn lớn, các bên đi vay ở Trung Đông ngày càng cởi mở hơn trong việc đa dạng hóa mối quan hệ tín dụng và chủ động khai thác nhu cầu từ các ngân hàng châu Á”. Ông cho biết thêm, châu Á cũng mang lại cơ hội tiếp cận những khoản vay bằng đồng tiền mới hoặc kỳ hạn linh hoạt hơn so với thị trường Trung Đông.

Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, tổng giá trị các khoản vay của Trung Đông huy động được tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt mức cao nhất trong 6 năm với 5,2 tỷ USD vào năm 2024. Làn sóng giao dịch gần đây diễn ra sau khi Ngân hàng Quốc gia Qatar (Qatar National Bank) hoàn tất khoản vay 2 tỷ USD hồi tháng 3/2025, thu hút gần 30 ngân hàng tham gia, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Các tổ chức tín dụng ở châu Á từ trước đến nay vẫn phản ứng tích cực với nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp ở Trung Đông. Các ngân hàng trong khu vực trên có nhu cầu lớn với loại hình cho vay này do thị trường nội địa ít thương vụ mới. Ngoài ra, các công ty Trung Đông thường có xếp hạng tín nhiệm cao hơn, đồng thời những thương vụ này còn mang lại lợi suất tốt hơn so với các doanh nghiệp cùng hạng tín nhiệm ở châu Á.

Tuy vậy, một số giao dịch có thể gặp khó khăn do các ngân hàng thường có giới hạn nội bộ về lượng vốn được phép phân bổ cho từng quốc gia và lĩnh vực cụ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục