Các quỹ đầu tư trái phiếu đẩy mạnh tái cơ cấu danh mục sau biến cố rút ròng

18:17' - 14/12/2022
BNEWS Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đồng loạt rút ròng, nhiều quỹ đầu tư đã tập trung tái cơ cấu lại danh mục, nhằm ổn định thanh khoản.
Thị trường trái phiếu đã trải qua gần 2 tháng căng thẳng khi nhiều nhà đầu tư đồng loạt rút ròng, khiến không ít quỹ đầu tư trái phiếu rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Trong bối cảnh đó, nhiều quỹ đầu tư đã tập trung tái cơ cấu lại danh mục, nhằm ổn định thanh khoản sau biến cố vừa qua.

Theo thống kê, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của các quỹ mở trái phiếu đều ghi nhận sụt giảm trong tháng 11 so với tháng trước đó.

 
Tính đến cuối tháng 11/2022, Quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC (DCIP) của DragonCapital ghi nhận giá trị tài sản ròng là 9.892,56 đồng/CCQ, giảm 2,7% so với cuối tháng 10/2022 và 2,37% so với đầu năm. Trong tháng 11, DCIP có mức giảm thấp hơn so với mức 0,44% của tiền gửi 3 tháng trung bình từ nhóm 4 ngân hàng lớn nhất.

Một quỹ mở trái phiếu khác của Dragon Capital là Quỹ đầu tư trái phiếu DC (DCBF) cũng ghi nhận NAV/CCQ giảm tới 1,32% trong tháng 11, thấp hơn cả lãi suất tham chiếu. Lãi suất tiền gửi 12 tháng trung bình của 4 ngân hàng lớn nhất hiện có mức tăng trưởng cao hơn so với quỹ với mức tăng trưởng tương ứng 0,61% trong tháng 11 và 5,42% lũy kế so với cuối năm 2021.

NAV/CCQ của Quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF) thuộc Công ty Quản lý Quỹ SSI cũng ghi nhận giảm 0,98% trong tháng 11. Tại ngày 18/11, Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) bị định giá thấp hơn giá trị thực khoảng 21%...

Sự sụt giảm NAV/CCQ của các quỹ mở trong thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy là do các nhà đầu tư cá nhân vốn chiếm tỷ trọng lớn tại các quỹ dễ bị tác động tâm lý và gây ra làn sóng bán lại chứng chỉ quỹ ồ ạt. Mặt khác, mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục tăng nhanh trong thời gian qua cũng đã trở thành kênh hút tiền cạnh tranh trực tiếp với các kênh đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ.

Theo thống kê của Techcom Capital, từ đầu tháng 10 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng đã bị các nhà đầu tư rút khỏi các quỹ trái phiếu như TCBF SSIBF, MBBond, DCBF… Điều này đã gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

Để đảm bảo thanh khoản và mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư ở quy mô lớn bất thường, các quỹ trái phiếu cần chuẩn bị đủ tiền mặt hoặc phải bán trái phiếu ra thị trường kể cả với giá chiết khấu nhằm huy động tiền nhanh nhất có thể. Điều này tác động ngược đến giá trị tài sản theo thị trường của các quỹ trái phiếu đang nắm giữ; trong đó, là nhiều trái phiếu doanh nghiệp có tình hình hoạt động kinh doanh tốt và có dòng tiền thu nhập ổn định. Hệ quả là NAV/CCQ của các quỹ trái phiếu trực tiếp bị ảnh hưởng và sụt giảm.

Sau khi xảy ra sự cố rút ròng, hai quỹ trái phiếu của Dragon Capital đã tập trung cơ cấu lại danh mục đầu tư bằng cách tăng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn ở các ngân hàng.

Tỷ trọng danh mục DCIP cuối tháng 11 gồm 89% là trái phiếu doanh nghiệp, 11% là tiền gửi ngắn hạn và tiền mặt. Với ưu tiên hàng đầu là duy trì và đảm bảo tính thanh khoản cao của danh mục đầu tư; đồng thời mang lại lợi nhuận tương đối tốt cho dòng tiền ngắn hạn, DCIP cho biết sẽ duy trì mức phân bổ lớn vào các trái phiếu doanh nghiệp có thanh khoản tốt cũng như các công cụ đầu tư ngắn hạn. Theo đó, việc phân bổ vào chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi sẽ giảm tương ứng với mức tăng vào trái phiếu doanh nghiệp và ngược lại.

Tương tự, tại DCBF, tỷ trọng danh mục tại thời điểm 30/11/2022, khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 76,9% (giảm tương đối so với mức 86,6% thời điểm cuối tháng 10/2022); tiếp đến là khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng 16,1% (tăng mạnh so với mức 7% thời điểm cuối tháng 10/2022) và khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi là 7% (cuối tháng 10/2022 là 6,4%).

Còn tại Quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF), trong điều kiện thanh khoản thị trường còn nhiều khó khăn, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu rút vốn cho nhà đầu tư, SSIAM đã chủ động nhanh chóng thanh lý các tài sản trên danh mục đầu tư với mức định giá phù hợp nhất.

Song song đó, SSIAM đã đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức tham gia đầu tư vào quỹ SSIBF; qua đó đã góp phần giảm thiểu áp lực thanh khoản cho khách hàng cá nhân. Trong giai đoạn 2 tuần cuối tháng 11, khi tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, lượng rút vốn đã có xu hướng hạ nhiệt, tạo điều kiện cho giá chứng chỉ quỹ tiếp tục tăng trưởng và tài sản đang quản lý của quỹ ổn định trở lại.

Để duy trì thanh khoản ổn định cho quỹ, đồng thời giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng từ hoạt động bán chiết khấu trái phiếu niêm yết của các nhà đầu tư khác trên thị trường, SSIAM dự kiến sẽ tiếp tục xử lý danh mục trái phiếu cũng như tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào quỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo có thể còn trầm lắng trong vài quý tới. Tuy nhiên nhiều dự báo cũng cho thấy thị trường có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023 sau khi thích nghi hơn với các quy định mới. Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp được xác định là kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế. Do đó, những khó khăn trước mắt của thị trường chắc chắn sẽ được Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế; trong đó, có một số nội dung quan trọng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vấn đề thanh khoản cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới, qua đó, sẽ lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường vốn có nhiều tiềm năng tăng trưởng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục