Các sản phẩm nông nghiệp của An Giang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường EU

19:49' - 02/11/2019
BNEWS Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở các nước thuộc Liên mình châu Âu.
Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc tại Công ty Cổ phần Nam Việt - một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra lớn của tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN 

Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại tỉnh An Giang, ngày 2/11, Đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu do ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu (INTA), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện châu Âu (EP) và Việt Nam làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang, thăm vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn organic của một số doanh nghiệp tỉnh An Giang ở khu vực đầu nguồn sông Hậu.

Tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, rau màu và cây ăn trái.

Diện tích gieo trồng năm 2018 của tỉnh An Giang đạt 678.000ha; trong đó, diện tích trồng lúa là 623.000ha, năng suất bình quân cả năm đạt 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt trên 3,9 triệu tấn; diện tích trồng rau màu đạt 54.850ha, cây lâu năm khoảng 17.200 ha, sản lượng đạt 140 ngàn tấn (chuối 1.400 ha, sản lượng 25.300 tấn; các loại cây ăn quả có múi chiếm 1.260 ha, sản lượng 4.106 tấn).

Theo ông Trần Anh Thư, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang đang chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng, diện tích lúa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, SRP,… đang được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh An Giang thời gian qua có sự phát triển rất nhanh, thị trường xuất khẩu luôn mở rộng, việc đầu tư sản xuất thủy sản theo hình thức chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, trong tổng số 1.200ha diện tích nuôi cá tra, hàng năm sản xuất khoảng 400.000 – 450.000 tấn cá tra thương phẩm, có tới 451ha nuôi cá tra, với sản lượng thu hoạch khoảng 260.000 tấn/năm được nuôi theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như: ASC, BAP, Organic,…

Hiện nay, An Giang có 23 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, 9 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (cá tra) và 1 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đông lanh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh An đạt 840 triệu USD; trong đó, xuất khẩu gạo đạt 475 nghìn tấn, tương đương 240 triệu USD, thị thường xuất khẩu qua 38 nước, trong đó có 8 nước châu Âu với sản lượng xuất khẩu là 5,13 nghìn tấn, tương đương khoảng 3 triệu USD; thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt 116 nghìn tấn, tương đương 287 triệu USD, thị trường xuất khẩu qua 78 nước; trong đó, có 21 nước châu Âu với sản lượng 14,8 nghìn tấn, tương đương khoảng 29 triệu USD; rau quả đông lạnh xuất khẩu đạt 8,8 nghìn tấn, tương đương 15 triệu USD, thị trường qua 23 nước, trong đó có 11 nước châu Âu với sản lượng 3,6 nghìn tấn, tương đương 5,6 triệu USD.

Sau khi trực tiếp tham quan, khảo sát tại một số nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra và vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn organic các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở các nước thuộc Liên mình châu Âu.

Ông Jan Zahradil cho biết, trước đây, ông biết đến ngành xản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam qua internet và không mấy thiện cảm; tuy nhiên, sau khi trực tiếp được tham qua nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, thăm vùng nuôi cá tra áp dụng theo chuẩn Organic trong chuỗi sản xuất thủy sản theo hình thức chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang, cũng như được thưởng thức các món ăn được chế bến từ cá tra, ông đã rất bất ngời, nhất là việc áp dụng các tiến bộ khoa hoạc kỹ thuật trong nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu của tỉnh An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo ông Jan Zahradil, với chất lượng ngày càng được nâng cao, quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu như hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của An Giang, nhất là mặt hàng cá tra của tỉnh An Giang có rất nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường ở châu Âu.

“Các sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam rất ngon và tôi sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra của An Giang trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm của Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó, tôi cũng có thể giới thiệu để một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang đưa các sản phẩm cá tra xuất khẩu của mình vào một số nhà hàng ở Liên mình châu Âu và Công hòa Séc (The Czech republic), qua đó giới thiệu các món ăn được chế biến từ cá tra của Việt Nam đến đông đảo người dân Liên minh châu Âu hơn trong thời gian tới”, ông Jan Zahradil chia sẻ thêm.

Cảm ơn những đề xuất của Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và nông sản của tỉnh An Giang vẫn chưa kịp thời cập nhật, nám bắt thông tin và điều chỉnh về những thay đổi về điều hiện nhập khẩu nông – thủy sản sang thị trường châu Âu, trong khi thị trường này yêu cầu các doanh nghiệp phải áp dụng ngay khi xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Trần Anh Thư mong muốn, Liên minh châu Âu tiếp tục hỗ trợ An Giang cũng như các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai; giới thiệu và hỗ trợ tỉnh An Giang tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế nhằm giúp tỉnh thực hiện tốt phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đồng thời, hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp của tỉnh An Giang với các doanh nghiệp, tập đoàn của Liên minh châu Âu trong việc hợp tác, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của An Giang sang thị trường EU; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của An Giang trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị thường đối với các sản phẩm sông sản của tỉnh, như: gạo, cá tra, rau quả, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục