Các thị trường biến động trái chiều trước thềm cuộc họp Fed

16:17' - 19/03/2024
BNEWS Giá dầu và vàng châu Á đồng loạt giảm, trong khi chứng khoán biến động trái chiều trước thềm cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 (giờ địa phương).

Giá dầu trượt dốc

Phiên 19/3 ghi nhận giá dầu giảm, một phần do triển vọng nguồn cung từ Nga tăng, nhu cầu hạ nguồn chậm hơn dự kiến trong các lĩnh vực như nhiên liệu máy bay và xu hướng giao dịch thận trọng trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định về lãi suất.

Cụ thể giá dầu Brent giao tháng 5/2024 giảm 15 xu Mỹ xuống 86,74 USD/thùng vào lúc 15 giờ 8 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 và tháng 5/2024 của Mỹ đều giảm 13 xu Mỹ, xuống các mức lần lượt là 82,59 USD/thùng và 82,03 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent và dầu WTI đồng loạt tăng lên các mức cao nhất của 4 tháng, do xuất khẩu dầu thô từ Saudi Arabia và Iraq sụt giảm, trong khi nhu cầu được dự báo mạnh mẽ hơn nhờ tăng trưởng kinh tế tích cực ở Trung Quốc và Mỹ.

Giá dầu tăng cũng do lo ngại về nguồn cung, sau khi một số cơ sở dầu mỏ của Nga chịu tác động tiêu cực từ xung đột Nga-Ukraine. Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan viết trong báo cáo gửi khách hàng: "Sản lượng dầu thô của Nga có thể bị giảm tới tới 300.000 thùng mỗi ngày, bên cạnh việc đóng cửa bảo trì theo lịch trình”.

Tuy nhiên đến phiên 19/3, giá “vàng đen” chịu áp lực từ sự không chắc chắn về chính sách lãi suất của Mỹ trước thềm cuộc họp của Fed.

Chuyên gia Suvro Sarkar, người đứng đầu nhóm năng lượng của Ngân hàng DBS, cho biết: “Thị trường có thể đang chờ tín hiệu cắt giảm lãi suất từ cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) trong tuần này”.

Chuyên gia này nói: “Giá dầu đã tăng khá nhiều trong hai tuần qua, do rủi ro địa chính trị cao hơn sau các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga… Có thể có một số hoạt động chốt lời ở mức này vì biến động giá trên 85 USD/thùng có thể sẽ duy trì trong thời gian tới đối với dầu Brent".

Trong khi đó, các nhà phân tích tỏ ra thận trọng về triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong lĩnh vực nhiên liệu máy bay trước thềm mùa du lịch Hè quý III/2024.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Chứng khoán Nhật Bản chứng kiến một phiên giao dịch tích cực sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Kết phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,7% lên 40.003,60 điểm, trong khi chỉ số Shanghai của Thượng Hải (Trung Quốc ) giảm 0,7% xuống còn 3.062,76 điểm.

Với lạm phát liên tục được duy trì trên mức mục tiêu 2% và các cuộc đàm phán tiền lương gần đây kết thúc với mức tăng lương cao, BoJ cuối cùng cũng đã quyết tâm chuyển hướng từ một chính sách tiền tệ cực lỏng, vốn được coi là ngoại lệ trong kinh tế toàn cầu. Các quan chức đánh giá rằng mục tiêu ổn định giá cả ở mức 2% sẽ đạt được một cách bền vững và ổn định", BoJ cho biết.

Mặc dù vậy, đã xuất hiện những quan ngại rằng việc Nhật Bản tăng lãi suất sẽ khiến các thị trường tài chính bị xáo động, khi giới đầu tư chuyển tiền sang “xứ hoa anh đào” để tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn hơn, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác đang chuẩn bị giảm lãi suất.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định chính sách mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Fed được dự báo sẽ duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ và sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên, với những dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao, có ý kiến cho rằng số lần cắt giảm lãi suất sẽ giảm xuống chỉ còn 2 lần.

Các thị trường chứng khoán châu Á khác biến động trái chiều, với chứng khoán Sydney, Singapore, Jakarta, Bangkok và Wellington đồng loạt tăng, trong khi chứng khoán Seoul, Mumbai, Taipei và Manila đồng loạt giảm.

Giá vàng biến động nhẹ

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 19/3, trong bối cảnh đồng USD tăng giá và giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed để tìm kiếm thêm manh mối về thời điểm thể chế này sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.156,67 USD/ounce vào lúc 13:59 giờ Việt Nam. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 2.159,80 USD.

Với việc Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp chính sách tiền tệ dự kiến diễn ra hai ngày 19- 20/3 (giờ địa phương), các thị trường đang chờ đợi những dự báo kinh tế và lãi suất cập nhật của các nhà hoạch định chính sách.

Chuyên gia phân tích Tim Waterer của Hãng giao dịch KCM Trade cho biết: “Vàng đang ở trên mức hỗ trợ 2.150 USD/ounce và miễn là điều này được duy trì, mức tăng có thể sẽ tồn tại trong ngắn hạn tùy thuộc vào thông điệp được Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra trong tuần này”.

“Nếu Fed tập trung vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số giá sản xuất (PPI) gần đây và sức mạnh thị trường lao động hiện tại, một số hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sẽ bị dập tắt. Trong trường hợp đó, giá vàng sẽ giảm xuống dưới mức hỗ trợ hoặc thậm chí thấp hơn trong ngắn hạn”.

Giá vàng đã giảm 1% trong tuần trước sau khi dữ liệu cho thấy CPI của Mỹ tăng mạnh trong tháng 2 và PPI tăng nhiều hơn dự kiến, làm giảm hy vọng về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng. Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán có khoảng 51% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới.

Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản, Anh, Australia, Na Uy, Thụy Sỹ, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil và Indonesia cũng nhóm họp trong tuần này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục