Thời hoàng kim trở lại thị trường chứng khoán Nhật Bản

09:38' - 18/03/2024
BNEWS Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã liên tục “xô đổ” các mức cao mới và tăng hơn 18% kể từ đầu năm nay và trở thành chỉ số chính có diễn biến tốt nhất thế giới.

Động lực đi lên của chỉ số Nikkei 225 chủ yếu là nhờ lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp và các biện pháp thân thiện với nhà đầu tư. Song nền kinh tế đang tiềm ẩn nhiều bất ổn khiến các chuyên gia chia rẽ về tính bền vững của đà tăng này.

*"Sự mất kết nối" giữa chỉ số chứng khoán và nền kinh tế

Chỉ số Nikkei 225 đã vượt mốc 40.000 điểm vào phiên 4/3, và một số nhà kinh tế dự báo chỉ số này vẫn còn dư địa để đi lên sau khi vượt qua mức cao kỷ lục năm 1989 là 38.915,87 điểm vào tháng trước.

 

Ông Kazuo Momma, nhà kinh tế điều hành của Viện nghiên cứu Mizuho, nói với CNBC: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chỉ số Nikkei 225 đạt mức 50.000 điểm chỉ sau vài năm nữa. Các công ty liên quan đến công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục có triển vọng”.

Ông Momma cho biết, cải cách quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản đã trở thành động lực chính cho thị trường chứng khoán của nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ số chứng khoán không nhất thiết đại diện cho toàn bộ nền kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đòn bẩy quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản, tạo 70% việc làm quốc gia và đóng góp 50% tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản cho thấy "sự mất kết nối" với nền kinh tế nước này sau khi có thời điểm kinh tế Nhật Bản đã đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật vào cuối năm ngoái.

Dù Nhật Bản tránh được kịch bản suy thoái do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau điều chỉnh theo lạm phát trong quý IV/2023 tăng 0,4%, song triển vọng nền kinh tế vẫn không thực sự sáng sủa khi nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 vẫn chạm mức cao nhất trong 34 năm và đà tăng ngày càng mạnh mẽ hơn sau mỗi phiên, bất chấp những tin tức xấu về nền kinh tế chồng chất.

Theo giới phân tích, chứng khoán Nhật Bản được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và sự gia tăng đột biến của các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo, bao gồm các công ty chip, sau khi nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ công bố doanh thu quý IV/2023 (kết thúc vào tháng 1/2024) tăng 265% so với cùng kỳ năm 2022 và lần đầu tiên đóng cửa với mức vốn hóa thị trường vượt 2.000 tỷ USD.

Ông Momma nói: “Sự lan tỏa từ xu hướng bùng nổ toàn cầu của các cổ phiếu liên quan đến AI chắc chắn đã giúp ích cho chỉ số Nikkei 225. Lĩnh vực công nghệ thông tin đang nắm giữ thành phần lớn nhất tạo nên chỉ số này với 24,23%.

Đồng yen suy yếu hơn, cũng như việc các nhà đầu tư muốn giảm bớt đầu tư vào Trung Quốc cũng đã thúc đẩy sự phục hồi của chứng khoán Nhật Bản.

Bà Sayuri Shirai, Giáo sư tại Đại học Keio và cựu thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Nhật Bản, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và tâm lý nhà đầu tư muốn chuyển tài sản khỏi Trung Quốc cũng góp phần làm tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán Nhật Bản”.

*Đà hưng phấn liệu còn kéo dài?

Báo cáo kết quả kinh doanh vững chắc của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quý III tài khóa 2023-2024 (kết thúc vào tháng 12/2023) đã khiến Ngân hàng Bank of America nâng dự báo về triển vọng của chỉ số Nikkei 225 từ 38.500 điểm lên 41.000 điểm vào cuối năm nay.

Ông Momma cho biết, mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty Nhật Bản vào năm 2023 đã được cải thiện đáng kể, một phần nhờ một loạt đợt tăng giá thành công, nhưng đây có thể chỉ là diễn biến nhất thời. Ông không kỳ vọng chỉ số Nikkei 225 sẽ tiếp tục xu hướng tăng thẳng tiến trong tương lai và có thể có một số điều chỉnh trong vài tuần hoặc tháng tới.

Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chỉ số Nikkei 225 giảm xuống 36.000-37.000 điểm vào khoảng giữa năm nay”, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả khi điều đó xảy ra, chỉ số Nikkei 225 có thể sẽ lấy lại mức 40.000 điểm vào cuối năm.

Bà Shirai cho biết, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD, điều này cho thấy sự thận trọng đối với tính bền vững của đà tăng chóng mặt của chỉ số Nikkei 225.

Bà nói: “Vẫn còn quá sớm để nói xu hướng này là bền vững. Nền kinh tế trong nước vẫn còn yếu do già hóa dân số và tăng trưởng năng suất thấp”. Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng dân số già nhất thế giới, điều gây áp lực ngày càng lớn lên tình hình tài chính công của nước này.

Bà Shirai nói thêm rằng, giá cổ phiếu Nhật Bản cao hơn một phần là do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, nên các nhà đầu tư phải thận trọng vì giá cổ phiếu có thể giảm bất cứ lúc nào.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhận định lạc quan về tương lai của thị trường cổ phiếu Nhật Bản. Ông Ayako Sera, chiến lược gia thị trường của ngân hàng Sumitomo Mitsui, có trụ sở tại Tokyo, cho rằng "chìa khóa" cho giá cổ phiếu trong thời gian tới là chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ như thế nào nếu ngân hàng này chấm dứt chính sách lãi suất âm. Nếu lãi suất âm được nâng lên 0%, nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu.

Trong khi đó, ông Tohru Sasaki, chiến lược gia trưởng tại tập đoàn tài chính Fukuoka cho hay: "Mức đỉnh mới của chỉ số Nikkei 225 rất ấn tượng và mang tính lịch sử, nhưng về mặt kinh tế, nó không có nhiều ý nghĩa. EPS (lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu) đang tăng do đồng yen yếu và lạm phát. Tôi giữ quan điểm giảm giá đối với đồng yen. Nếu đồng yen tiếp tục mất giá thì EPS có thể tăng cao hơn nữa và chỉ số Nikkei 225 vẫn còn rất nhiều khả năng tăng điểm".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục