Các thị trường chứng khoán chờ đợi những dấu hiệu từ hai siêu cường kinh tế

12:33' - 16/02/2019
BNEWS Sau khi biến động bất nhất trong phiên giao dịch ngày 14/2, Phố Wall bật tăng ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 15/2), nhờ kỳ vọng ngày càng tăng về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN

Những tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc vào cuối tuần này, qua đó đánh dấu tuần tăng điểm thứ tám liên tiếp của chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite.

Bất ổn xung quanh vấn đề ngân sách Mỹ đã làm “nguội lạnh” tâm lý nhà đầu tư chứng khoán ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 11/2). Các cuộc đàm phán về an ninh biên giới tại Mỹ tiếp tục bế tắc sau khi giới lập pháp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa thể vượt qua những bất đồng về chính sách bắt giữ người nhập cư, khiến Chính phủ liên bang Mỹ chưa thể thoát khỏi hoàn toàn nguy cơ đóng cửa.

Tuy nhiên, sắc xanh đã chiếm lĩnh thị trường trong hai phiên liền sau đó, khi vòng đám phán thương mại tiếp theo được nối lại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm tránh việc thuế Mỹ áp lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu diễn ra.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 13/2 cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tiến triển tốt, trong bối cảnh hai nước đang tìm cách đạt một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh cãi, vốn đã khiến hai bên áp thuế và trả đũa nhau bằng các mức thuế cao. Các thị trường chờ đợi những dấu hiệu liệu hai siêu cường kinh tế này có kéo dài thời gian "tạm đình chỉ" áp các mức thuế cao gây nhiều thiệt hại hay không.

Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 443,86 điểm lên 25.883,25 điểm, khi cổ phiếu J.P. Morgan Chase và Goldman Sachs tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 tiến 1,1% lên 2.775,60 điểm, dẫn đầu là đà tăng của lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,6% lên 7.472,41 điểm.

Như vậy, tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 3,1 %, ghi dấu tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 11/2017. Chỉ số S&P 500 cũng chứng kiến tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp khi ghi thêm 2,5%. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng cộng thêm 2,4%, đánh dấu chuỗi tuần tăng điểm dài nhất kể từ tháng 8/2016.

Mặc dù cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc vào trưa 15/2 và hai đoàn đàm phán đã rời đi mà không có tuyên bố nào được đưa ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng vòng đàm phán tại Bắc Kinh đã đạt tiến triển, và Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thương mại và kinh tế với Mỹ thông qua hợp tác.

Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin khẳng định sẵn sàng hợp tác với phía Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận phù hợp với các lợi ích của cả hai nước. Hãng tin Reuters dẫn nguồn báo South China Moring Post cho hay Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại vào tuần tới ở Washington.

Một số dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cũng góp phần hỗ trợ đà đi lên của thị trường trong phiên này. Chi phí hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 1/2019, chủ yếu do giá dầu hạ thấp.

Chỉ số sản xuất của Empire State, thước đo chính diễn biến hoạt động sản xuất của bang New York, đã tăng 4,9 điểm trong tháng 2/2019, lên mức 8,8, trên mức kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế là 7,6. Trong khi đó, chỉ số tâm lý nhà tiêu dùng sơ bộ do Đại học Michigan thống kê đã tăng trở lại trong tháng 2/2019, đạt 95,5, so với mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 ghi nhận trong tháng trước đó. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong tám tháng vào tháng 1/2019./.

Xem thêm:

>>Nhận định về thị trường dầu mỏ quý I/2019

>>Sự "thống trị" của đồng bitcoin sẽ sớm đến hồi kết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục