Các thị trường chứng khoán, hàng hóa chờ kết quả cuộc họp của Fed

17:19' - 01/11/2023
BNEWS Các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý tới quyết định chính sách của Fed, với nhận định Fed sẽ giữ nguyên lãi suất
* Các thị trường chứng khoán chờ cuộc họp của Fed

Các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 1/11, trước khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc trong cùng ngày.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,41%, hay 742,8 điểm, lên 31.601,65 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,06%, hay 10,70 điểm, lên 17.101,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,14%, hay 4,31 điểm, lên 3.023,08 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,03%, hay 23,57 điểm, lên 2.301,56 điểm.

Các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý tới quyết định chính sách của Fed, với nhận định Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ cho thấy lộ trình lãi suất sắp tới và lãi suất sẽ ở mức cao trong thời giai bao lâu.

Nhà kinh tế trưởng và là người quản lý danh mục đầu tư của MFS Investment Management, Erik Weisman, cho rằng Fed sẽ để ngỏ lựa chọn tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động hạ nhiệt đáng kể và sức ép lạm phát giảm.

Các thị trường nhận định có 29% khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12 tới và 35% khả năng cũng tăng ở mức này vào tháng 1/2024.

* Giá dầu tăng trong bối cảnh xung đột

Giá dầu tăng trong phiên này tại châu Á, khi các ngân hàng trung ương họp trong tuần này, trong lúc các nhà giao dịch theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất về xung đột giữa Israel và Hamas.

Giá dầu Brent giao tháng 1/2024 tăng 0,8%, hay 66 xu Mỹ, lên 85,68 USD/thùng vào lúc 14 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm hơn 1% trong phiên trước.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,6%, hay 52 xu Mỹ, lên 81,54 USD/thùng, sau khi giảm 1,6% trong phiên 31/10. 

 

Nhà phân tích thị trường tại OANDA, Edward Moya, cho rằng giá dầu ổn định trước khi Fed công bố quyết định lãi suất, trong bối cảnh có những rủi ro địa chính trị.

Việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu, trong khi việc hạ lãi suất nhằm thúc đẩy chi tiêu có thể làm tăng mức tiêu thụ.

* Giá vàng giảm khi nhà đầu tư thận trọng

Bước vào tháng 11, giá vàng giảm khi các nhà đầu tư chờ quyết định chính sách của Fed, sau khi những lo ngại về xung đột tại Trung Đông khiến giá kim loại quý này vượt ngưỡng 2.000 USD/once trong tháng trước.

Giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.978,14 USD/ounce vào lúc 14 giờ 46 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4%, xuống 1.987,1 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay tăng 7,3% trong tháng 10 vừa qua, chạm mức cao nhất trong hơn 5 tháng là 2.009,29 USD/ounce trong tuần trước.

Giám đốc điều hành OCBC và là nhà chiến lược về ngoại hối Christopher Wong không loại trừ khả năng giá vàng tăng lên mức 2.000 USD/ounce trong ngắn hạn, sau khi tăng mạnh do bất ổn địa chính trị. Bên cạnh đó, khả năng Fed tiếp tục dừng tăng lãi suất cũng hỗ trợ giá vàng.

Trong khi đó, các nhà chế tạo tại châu Á đối mặt với sức ép lớn hơn trong tháng 10, với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc giảm trở lại, gây lo ngại về triển vọng phục hồi của các nhà xuất khẩu lớn trong khu vực./.

Lê Minh (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục