Các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên 9/3

17:35' - 09/03/2020
BNEWS Chỉ số Nikkei 225 chốt phiên 9/3 giảm 1.050,99 điểm, hay 5,07%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 4,23%, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên 9/3. Ảnh minh họa: TTXVN
Các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên 9/3, khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh chóng đã thổi bùng quan ngại về kinh tế toàn cầu và giá dầu sụt giảm mạnh càng khiến thị trường hoảng loạn, với các công ty năng lượng chịu thiệt hại và bị bốc hơi hàng trăm tỷ USD giá trị thị trường.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 1.050,99 điểm, hay 5,07%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018, xuống 19.698,76 điểm, dưới ngưỡng tâm lý 20.000 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1.106,21 điểm, hay 4,23%, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm, xuống 25.040,46 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 85,45 điểm, hay 4,19%, xuống 1.954,77 điểm, mức chốt phiên thấp nhất trong sáu tháng. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải để mất 3%, xuống 2.943,29 điểm.

Các thị trường khác trong khu vực cũng giảm điểm mạnh, với Sydney giảm 7,3%, Bangkok giảm hơn 8%, Singapore và Jakarta giảm hơn 5%, trong khi Manila và Mumbai để mất hơn 6%.

Thị trường London và Frankfurt mở cửa giảm hơn 8%, trong khi Paris mất 4,2%, sau khi các thị trường chứng khoán châu Âu và Phố Wall phiên trước đã giảm điểm mạnh.

Giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các nhà giao dịch bán ra các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản an toàn, khiến giá vàng và đồng yen tăng mạnh, trong khi kéo lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Trong khi các chính phủ và các ngân hàng trung ương đã hoặc chuẩn bị thực hiện các biện pháp kích thích, sự lây lan rộng của dịch bệnh đang gây căng thẳng cho các nền kinh tế và đưa đến lo ngại về suy thoái trên toàn cầu.

Yếu tố đứng sau sự lao dốc của các thị trường phiên này còn có hoạt động bán tháo trên các thị trường dầu mỏ, sau khi nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia hạ giá bán chính thức do bất đồng với Nga trong vấn đề sản lượng. 

Cả hai hợp đồng dầu mỏ chính, vốn đang chịu sức ép do nhu cầu giảm trong bối cảnh dịch bệnh, đã giảm khoảng 30%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và là mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử.

Do Nga không nhất trí cùng với các nước sản xuất lớn khác cắt giảm sản lượng mạnh hơn nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19, Saudi Arabia ngày 8/3 đã giảm giá 4-6 USD/thùng đối với dầu giao tháng Tư bán sang châu Á và 7 USD/thùng sang Mỹ. Đây là các mức giảm mạnh nhất trong 20 năm qua.

Quyết định của Nga đã khiến giá dầu giảm mạnh và có những cảnh báo cho rằng giá dầu có thể tiếp tục giảm hướng đến mức 20 USD/thùng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group (tại London), Rohitesh Dhawan, cho rằng khả năng đó có thể gây ra những tác động trên toàn cầu lớn hơn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, do dầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế toàn cầu.

Trên thị trường tiền tệ, các đồng tiền của những nước phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ đang chịu những tác động mạnh nhất, với đồng ruble của Nga giảm gần 6%, đồng đô-la Australia giảm 5% và đồng peso của Mexico cũng để mất 5%.

Ở trong nước, theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán có mức giảm kỷ lục trong hơn 18 năm qua khi hàng loạt các mã cổ phiếu đua nhau giảm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN - Index giảm tới 6,28% xuống 835,49 điểm. Toàn sàn có tới 368 mã giảm giá; trong đó có 173 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng giá và 14 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

HNX - Index cũng có mức giảm tới 6,44% xuống 106,34 điểm. Toàn sàn có tới 148 mã giảm; trong đó có 61 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi cũng chỉ có 29 mã tăng giá và 32 mã đứng giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục