Các tỉnh Nam bộ quản lý dịch hại trên trà lúa Đông Xuân

12:54' - 25/12/2019
BNEWS Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, các tỉnh Nam bộ cần coi trọng việc quản lý dịch hại trên trà lúa vụ Đông Xuân nhằm bảo đảm cho nông dân giành một vụ sản xuất mới bội thu.
Nông dân gieo cấy vụ Đông Xuân. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) Lê Quốc Cường, trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, các tỉnh Nam bộ đã xuống giống được trên 1,31 triệu ha; trong đó, có trên 124.000 ha chín, còn lại đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đòng - trổ. Các tỉnh Nam bộ cần coi trọng việc quản lý dịch hại trên trà lúa vụ Đông Xuân nhằm bảo đảm cho nông dân giành một vụ sản xuất mới bội thu.

Qua theo dõi của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong tuần vừa qua, diện tích nhiễm các dịch hại như: rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, bệnh bạc lá…có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những ngày tới, bệnh đạo ôn có khả năng tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh và đòng trổ.

Trước tình hình trên, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam khuyến cáo các tỉnh Nam bộ cần theo dõi sát tiến độ xuống giống vụ Đông - Xuân trên diện tích còn lại theo kế hoạch; đồng thời, nông dân các địa phương tổ chức thăm đồng thường xuyên để phát hiện và quản lý tốt dịch hại trên trà lúa Đông Xuân, chú ý theo dõi sát các đối tượng sâu bệnh gây hại, nhất là sâu năn do thời tiết thích hợp phát triển  có thể  tấn công và gây hại  trên diện rộng.

Đặc biệt, đối với những khu vực gieo sạ Đông Xuân đợt cuối tháng 12/2019 và tháng 1/2020 tới cần theo dõi chặt diễn biến rầy nâu vào đèn cũng như tuân thủ lịch gieo sạ tập trung, đồng loạt né rầy đạt hiệu quả, không để gây hại, làm phát sinh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Đối với chuột bọ, bà con chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ, tiêu diệt chuột mang tính cộng đồng để đạt hiệu quả cao. Chú ý thu gom xác chuột đem tiêu hủy, bảo vệ môi trường và tuyệt đối không dùng điện diệt chuột tránh nguy hiểm rủi ro cho người và các động vật khác.

Riêng bệnh đạo ôn và các bệnh hại lúa khác nông dân quan tâm thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện cần sử dụng các loại thuốc đặc trị phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, không nên phối trộn nhiều loại thuốc hoặc phun phân bón lá hiệu quả mang lại không cao vừa gây thêm những hệ lụy không tốt khác.

Ngoài ra, cần có giải pháp bảo đảm nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn trong tình hình mùa khô 2019 - 2020 diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp và thiên tai đe dọa trên cây trồng nói chung, nhất là các tỉnh ven biển Nam bộ, nằm cuối nguồn sông Mekong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục