Các xu hướng chi phối thị trường IPO toàn cầu

10:16' - 17/01/2018
BNEWS Các thị trường IPO đã thể hiện sự đa dạng về địa lý, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp.

Bất chấp tình trạng khó đoán định trên các thị trường, hoạt động phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vẫn đang diễn ra tại các thị trường sơ cấp vốn đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong 10 năm trở lại đây.
Các thị trường IPO đã thể hiện sự đa dạng về địa lý, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, quy mô thị trường IPO toàn cầu đã ghi nhận các mức cao kỷ lục, dao động từ 565-1.365 thương vụ IPO mỗi năm, với nguồn vốn được huy động từ 101 tỷ đến 285 tỷ USD.
Năm 2017 là năm sôi động nhất của hoạt động IPO toàn cầu trong 10 năm qua, với 1.624 thương vụ IPO được thực hiện, đem về cho doanh nghiệp 188,8 tỷ USD, theo báo cáo mới được công bố của Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY).

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, thị trường châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu hoạt động IPO trên toàn cầu, khi chiếm đến 58% số thương vụ và 39% lượng vốn huy động trong năm 2017.
Triển vọng của hoạt động IPO toàn cầu trong năm 2018 cũng không kém phần lạc quan, khi tình trạng bất ổn ở các khu vực phần nào lắng xuống, các chỉ số chứng khoán tiếp tục xác lập các mức cao kỷ lục và niềm tin vững vàng của giới đầu tư thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện IPO.

Bên cạnh đó, năm 2018 cũng sẽ chứng kiến sự kiện được dự đoán là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử, khi doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Các bước chính trong quá trình IPO khá giống nhau trên toàn cầu. Giới đầu tư cũng thường đòi hỏi các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu phải thật sự minh bạch, vì vậy mà các điều kiện để được niêm yết tại các sàn giao dịch lớn đã không còn quá khác biệt.
Hiện nay trong môi trường đầu tư quốc tế, nhiều doanh nghiệp có quyền lựa chọn nơi để “lên sàn”, dù hầu hết đều chào bán cổ phiếu ra công chúng tại các thị trường trong nước, nơi doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cũng có một bộ phận ít hơn các doanh nghiệp cân nhắc phương án niêm yết ở nước ngoài.

Điều này thường phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động và việc thị trường trong nước có hệ sinh thái IPO hay không. Trong những năm gần đây, xu hướng IPO xuyên biên gới đang suy giảm và chỉ chiếm 7% các thương vụ IPO trong năm 2017.
Các doanh nghiệp đã thực hiện IPO thành công sẽ biết rằng quá trình này đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn nhân lực, các quy trình và văn hóa doanh nghiệp từ một công ty tư nhân thành một công ty “đại chúng”.

Trước khi quyết định “dấn thân” vào con đường IPO để tăng cường nguồn vốn, hầu hết các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư PE (thường được hiểu là đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân) đều nghiên cứu các chiến lược đầu tư và cả lối thoát. Áp dụng chiến lược này, khoảng 12% các doanh nghiệp do các quỹ đầu tư PE nắm giữ trên toàn cầu đã lựa chọn đi theo con đường IPO.
Các doanh nghiệp trên toàn thế giới vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng để chào bán cổ phiếu ra công chúng. Khi thời điểm chín muồi, các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có thể tận dụng được cơ hội. Việc tiếp cận được nguồn vốn dồi dào trên toàn cầu là rất cần thiết để có thể “nuôi dưỡng” sức tăng trưởng, đổi mới và tạo công ăn việc làm.

Các sàn giao dịch trên toàn tế giới sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hành trình IPO của doanh nghiệp cũng như toàn bộ hệ sinh thái IPO.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục