Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Bảy

09:20' - 20/08/2020
BNEWS Vào ngày Rằm tháng Bảy, các gia đình thường chuẩn bị 2 mâm đồ lễ: một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh (cúng cô hồn) đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.

Ngày rằm tháng 7 hàng năm được biết đến với lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân xuất phát từ các điển tích xưa. Theo tín ngưỡng dân gian, lễ Vu Lan là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, còn lễ Xá tội vong nhân là để cúng cho nhưng vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng.

Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị 2 mâm đồ lễ: một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh (cúng cô hồn) đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.

Cách bày mâm cúng tổ tiên rằm tháng 7

Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân dành cho người cõi âm làm bằng giấy (vẫn gọi là đồ hàng mã) những mong người thân đã mất có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ ở cõi âm giống như người dương thế.

Trong ngày lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho mẹ, những người có mẹ còn sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và những người mẹ đã mất sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát.

Việc phân biệt màu sắc hoa này còn có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc là phải biết trân trọng những gì mình đang có (cha, mẹ, người thân) và nhắc nhở mỗi người phải luôn ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Ngoài ra, đối với những gia đình theo đạo Phật thì rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.

Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương: ở giữa thờ Phật, bên phải thờ thần linh thổ công và bên trái thờ gia tiên. Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ.

Mâm cúng Phật có thể là mâm cơm chay hoặc mâm ngũ quả. Nếu dùng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Cách bày mâm cúng chúng sinh rằm tháng 7

Trên mâm cúng chúng sinh (cúng thí thực cô hồn), lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu, các loại bỏng gạo, ngô khoai, bánh kẹo, cháo trắng hoặc cháo hoa, tiền vàng, nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà khắp tứ phía sau khi cúng xong) và còn có thể cài thêm cả chút tiền lẻ.

Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng.

Ngoài ra, vào ngày này, tại các chùa người ta cũng làm lễ phóng sinh, thả chim, thả cá về với môi trường sống của chúng.

Việc cúng cô hồn có thể tiến hành từ mùng 1 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên nhiều gia đình thường tiến hành vào ngày rằm tháng 7, trùng với lễ Vu Lan, xá tội vong nhân, với lý do hôm đó các vong hồn mới được thả ra.

>>Bài cúng rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

>>Gợi ý mâm cỗ chay dễ làm cúng rằm tháng 7

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục