Cách Italy đối phó với vấn nạn đánh giá giả mạo trực tuyến

05:30' - 29/12/2024
BNEWS Dự luật về doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy là bước tiến quan trọng hướng tới việc tăng cường tính minh bạch, độ tin cậy của các đánh giá trên mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ Italy vừa xem xét nội dung của dự luật về doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), quy định về việc xử lý các bình luận trực tuyến của người tiêu dùng về sản phẩm và dịch vụ. Dự luật này có mục tiêu nhằm giải quyết vấn nạn đánh giá giả mạo trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn.

Đây được coi là bước tiến quan trọng hướng tới việc tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của các đánh giá trên mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm cạnh tranh công bằng trong ngành du lịch và dịch vụ.

Dự luật mới, được Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp và Sản xuất tại Italy Adolfo Urso trình bày ngày 23/12/2024, đã đưa ra các điều khoản nhằm nâng cao tính minh bạch và đáng tin cậy của hệ thống đánh giá trực tuyến. Theo đó, cá nhân viết đánh giá phải công khai danh tính và xác nhận rằng họ đã trực tiếp sử dụng dịch vụ của cơ sở được đánh giá. Các đánh giá phải được đăng trong vòng 15 ngày kể từ khi sử dụng dịch vụ. Nội dung đánh giá cần chi tiết, toàn diện, giúp cung cấp thông tin hữu ích và thực tế cho khách hàng tiềm năng.

 
Dự luật cũng bảo vệ quyền lợi của chủ doanh nghiệp, khi cho phép họ phản hồi các đánh giá, đồng thời yêu cầu xóa các đánh giá tồn tại quá 2 năm hoặc bị cho là không xác thực. Đặc biệt, hành vi trao đổi đánh giá để nhận ưu đãi, giảm giá, hoặc các lợi ích khác bị nghiêm cấm, nhằm loại bỏ nguy cơ phản hồi thiên vị. Bên cạnh đó, Cơ quan chống độc quyền của Italy sẽ giám sát các nền tảng đăng tải đánh giá, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới này và có thể phạt nặng những đối tượng vi phạm.

Khách du lịch thường gặp phải sự khác biệt lớn giữa hình ảnh quảng cáo của khách sạn và thực tế. Một tòa án ở thành phố Milan, miền Bắc Italy, đã ra phán quyết rằng, khách hàng có quyền được hoàn lại tiền cho lần đặt phòng của mình, nếu kỳ vọng của họ về hồ bơi và phòng gym không được đáp ứng.

Theo dự luật, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (Agcom) Italy chịu trách nhiệm thực thi và có thể phạt các đối tượng vi phạm từ 5.000 euro đến 10 triệu euro (5.215 USD-10,43 triệu USD). Cơ quan chống độc quyền Italy sẽ có quyền điều tra và xử phạt đối với các đánh giá, can thiệp quyết liệt hơn vào các hành vi sai trái. Một cuộc đối thoại cũng được lên kế hoạch với các hiệp hội thương mại chính để tạo ra các công cụ công nghệ có khả năng xác định những bình luận sai lệch, với khả năng triển khai các hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiện tượng đánh giá giả và thao túng các đánh giá có tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch và nhà hàng tại Italy trong những năm gần đây. Theo một số nghiên cứu, hiện tượng này gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khách sạn và nhà hàng, ảnh hưởng từ 6% đến 30% doanh thu của họ. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Các số liệu của Trung tâm Nghiên cứu của Bộ Kinh doanh và Sản xuất tại Italy cho thấy các đánh giá trực tuyến ảnh hưởng đến 82% lượng đặt phòng và 70% lựa chọn nhà hàng. Trong khi đó, một báo cáo của Tripadvisor từ năm 2022 cho thấy các đánh giá giả mạo trên nền tảng của họ (sau đó đã bị xóa) là 1,3 triệu trong tổng số 30,2 triệu, chiếm 4,3% tổng số đánh giá. 

Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lớn nhất của Italy, Codacons, đã lên tiếng hoan nghênh dự luật trên. Codacons chỉ ra rằng các đánh giá ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của người tiêu dùng, bằng chứng là nghiên cứu cho thấy 77% người Italy tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng hoặc đặt phòng.

Dự luật mới của Italy được đánh giá là bước tiến lớn trong việc khôi phục niềm tin vào các đánh giá trực tuyến trong ngành dịch vụ. Những biện pháp mạnh mẽ này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần duy trì sự công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh.

Đánh giá giả mạo đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, không chỉ giới hạn tại Italy mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, buộc chính phủ và các tổ chức phải có những hành động quyết liệt. Nó không chỉ gây tổn hại đến doanh nghiệp, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng. Những tác động này không chỉ khiến thị trường trở nên thiếu minh bạch mà còn làm mất lòng tin từ phía người tiêu dùng, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy rủi ro và bất ổn.

Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực tìm các biện pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, việc phát hiện đánh giá giả mạo không hề đơn giản. Công nghệ AI ngày càng tiên tiến cho phép tạo ra những đánh giá tinh vi, thuyết phục đến mức khó phân biệt thật giả, trong khi các nền tảng lớn phải đối mặt với số lượng đánh giá khổng lồ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục