Cách khai thác xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

14:49' - 08/04/2021
BNEWS Tác động của đại dịch COVID-19 là một "cú sốc" về cung và cầu, nên những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh này đều tính đến đồng thời cả nguồn cung và cầu.

Ngày 8/4, tại hội thảo công bố và lấy ý kiến Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho rằng, củng cố các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững cần đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp chuyên sâu.

Đồng thời, chủ động khai thác xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu về cả quy mô và chất lượng với giải pháp xây dựng chiến lược phù hợp để đón đầu dòng vốn chuyển dịch đầu tư lớn.

Kiên định mục tiêu kép

Theo bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương, xuất phát từ tác động của đại dịch COVID-19 là một "cú sốc" về cung và cầu, nên những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh này đều tính đến đồng thời cả nguồn cung và cầu.

Do đó, chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với liều lượng hợp lý, có trọng tâm và thời hạn nhất định sẽ góp phần hạn chế bỏ lại phía sau những đối tượng thực sự cần hỗ trợ.

Hiện nay, Chính phủ có chủ trương kiên định mục tiêu kép, nên quản lý kinh tế vĩ mô một cách thận trọng để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

Mặt khác, doanh nghiệp phải phát huy vai trò đồng hành cùng bộ, ngành nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch cung cầu thế giới ở những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Bà Nguyễn Thuý Hiền chia sẻ thêm, cần dành ưu tiên cao cho phát triển lĩnh vực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng chiến lược phát triển để thích ứng nhanh với xu hướng công nghệ số, tự động hóa...

Bên cạnh đó, ứng dụng công cụ kết nối sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc tái định vị hành vi tiêu dùng, phương thức kinh doanh và mô hình quản trị, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư sang khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, khơi thông điểm nghẽn, phát triển nguồn nhân lực... sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nếu thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, phương thức thanh toán nhanh... sẽ góp phần giải quyết những điểm nghẽn bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành nghề, lĩnh vực theo hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế sẽ mở rộng và tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp và kéo theo cả nền kinh tế phát triển.

Điển hình, đối với ngành công nghiệp nên chú trọng phát triển các ngành như cơ khí, chế tạo, công nghiệp vật liệu; công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ... Nếu nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư có trọng tâm, ưu tiên dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường... sẽ hiện thực hóa được chiến lược phát triển bền vững.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp có những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử... là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chịu tác động nặng nề nhất.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021-2030, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành công thương phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp và thương mại, hướng đến nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng là rất quan trọng.

Trong số đó, có thể kể đến xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày và điện tử đến năm 2030, định hướng năm 2035; nghiên cứu xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác về kinh tế số, gắn phát triển hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực...

Từ đó, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại điện tử, thúc đẩy mô hình ứng dụng công nghệ mới trong khu vực để hỗ trợ giao thương và phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Quản trị rủi ro chuyên ngành

Với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và đang tạo ta nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may, da giày, điện tử....

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thị trường toàn cầu như hiện nay, cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ, đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp phải nỗ lực không ngừng để bám sát và thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu.

Ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại Tp. Hồ Chí Minh cho hay, đại dịch COVID-19 khiến khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh; trong đó người giàu mua hàng chất lượng của các nhãn hàng uy tín bền vững, còn người nghèo phải mua hàng siêu rẻ. Vì vậy, ngành hàng thời trang rẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai có thể dẫn đến vấn đề ép giá cho chuỗi cung ứng.

Mặt khác, tiêu dùng bền vững cũng đang trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều người tiêu dùng toàn cầu quan tâm tới bền vững môi trường và lao động của nhãn hàng.

Cùng với đó, không ít quốc gia thực hiện luật hóa việc rà soát quyền con người trong chuỗi cung ứng; hay minh bạch chuỗi cung ứng yêu cầu đánh giá nhà cung cấp 2,3; số hóa để người mua kiểm soát chuỗi.

Những xu hướng này cho thấy, những mô hình kinh doanh mới trong ngành thời trang bắt buộc phải có khả năng phản ứng nhanh trước nhu cầu của thị trường. Điều kiện của đơn hàng cũng trở nên khác nghiệp hơn với đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, yêu cầu tỷ lệ lỗi giảm, chú trọng hàng cơ bản, tậo trung vào chất lượng...

Theo bà Nguyễn Thị Tòng, nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, doanh nghiệp cần có kế hoạch bố trí lao động hợp lý trên cơ sở đơn hàng, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong giao dịch mẫu mã, đơn hàng và cung ứng, nhật khẩu nguyên liệu.

Đặc biệt, doanh nghiệp có giải pháp tranh thủ tối đa các lợi thế FTA thế hệ mới mang lại đối với từng thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu, hỗ trợ cùng phát triển.

Về phía Chính phủ, doanh nghiệp mong đợi những giải pháp miễn thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc chịu tác động nặng nề từ vùng dịch bệnh. Việc hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp hồi phục hồi sản xuất, giải quyết khó khăn về tài chính...

Ngoài ra, tùy vào tình hình dịch bệnh ở những thị trường Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, Chính phủ đàm phán mở cửa đường bay tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối giao thương.

Trong dài hạn, bà Nguyễn Thị Tòng cho rằng, cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận những mô hình kinh doanh mới, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, hạn chế sa thải lao động...

Song song đó, với những đầu mối kết nối từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong giữ liên lạc với nhà cung cấp, khách hàng để theo dõi, quản lý rủi ro hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng hoặc thách thức tiềm ẩn trên thị trường./.

>>Những điểm khác biệt về chuỗi cung ứng của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục