Cách mạng công nghiệp 4.0 trong môi trường kiểm toán

12:27' - 17/11/2020
BNEWS CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay bằng các ứng dụng công nghệ thông tin như chữ ký số, chứng từ điện tử, số hoá, các phần mềm xử lý dữ liệu kiểm toán...
Hoạt động kiểm toán trong môi trường làm việc không sử dụng giấy tờ truyền thống với một số công cụ mới số hóa thực sự là một thách thức không nhỏ đối với mọi cơ quan Kiểm toán Nhà nước trên toàn cầu; trong đó có Việt Nam.

Các dự án cải tạo đường cất hạ cánh sân bay là một trong những nội dung được Kiểm toán Nhà nước đề xuất kiểm toán trong năm 2021. Ảnh minh họa: Huy Hùng

*Công nghệ mới trong hoạt động kiểm toán

Cơ quan kiểm toán tối cao châu Mỹ La tinh và Caribe (OLACEFS) là một trong những cơ quan có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng chữ ký số, chứng từ điện tử và số hoá dữ liệu nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực tài chính công, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.

Đại hội thường niên của OLACEFS những năm gần đây tập trung thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quan tâm chung của khu vực; trong đó nổi bật là chủ đề về ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán. Tuyên bố Buenos Aires được thông qua tại Đại hội OLACEFS lần thứ 28 năm 2018 tại Argentina, đã khẳng định vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong kỷ nguyên công nghệ mới và cam kết ứng dụng công nghệ mới vào quá trình giám sát tài chính công.

Đại hội OLACEFS lần thứ 29 tại El Salvador tháng 10 vừa qua tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công nghệ mới trong hoạt động kiểm toán thông qua chủ đề “Ứng dụng và tính pháp lý của chữ ký điện tử và văn bản điện tử trong quá trình kiểm toán”.

Theo đó, đa số các cơ quan kiểm toán tối cao đều nhận định, trong các ứng dụng về công nghệ thông tin, một số công cụ mới nổi như chữ ký điện tử và chứng từ điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hành chính và hoạt động chuyên môn kiểm toán. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ một số nước thành viên OLACEFS áp dụng chữ ký điện tử và chứng từ điện tử trong thực tế hiện hành, phần nhiều các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên đang xem xét quá trình thực hiện công nghệ này.

Kết quả thảo luận về chủ đề này tại Đại hội OLACEFS lần thứ 29 cho thấy sử dụng chữ ký và chứng từ điện tử sẽ là một xu hướng của tương lai, mở ra triển vọng ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để và đồng bộ trong hoạt động kiểm toán.

Ưu điểm của việc ứng dụng chữ ký và chứng từ điện tử trong công tác chuyên môn của các cơ quan kiểm toán tối cao bao gồm sử dụng chữ ký và chứng từ điện tử là điều kiện bảo đảm tính pháp lý của các giao dịch điện tử, cho phép các giao dịch có thể thực hiện trong môi trường điện tử; ngăn chặn khả năng giả mạo chữ ký; ngăn chặn khả năng làm giả tài liệu. Ứng dụng chữ ký và chứng từ điện tử cho phép xác định tác giả văn bản và tính nguyên gốc của văn bản. Việc số hoá các văn bản tạo thuận lợi cho quá trình phân tích dữ liệu, lưu trữ và phân loại thông tin; tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các thủ tục hành chính...

Tuy nhiên, theo các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên OLACEFS thì việc sử dụng chữ ký điện tử và chứng từ điện tử trong quá trình kiểm toán vẫn còn một số hạn chế như mối quan ngại về bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu; đồng bộ về pháp lý; cơ quan kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa có nền tảng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật tốt và chưa có quy định ràng buộc các đơn vị được kiểm toán phải sử dụng phương thức điện tử để lưu trữ các văn bản tài liệu.

Ngoài ra, hiện còn những giới hạn nhất định về sự lệ thuộc vào máy móc và chương trình phần mềm, năng lực nhân sự của các cơ quan trong việc sử dụng các công cụ điện tử...

Các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên OLACEFS đã đưa ra một số đề xuất giải pháp tối ưu cho vấn đề trên như xây dựng, hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ cơ sở pháp lý, các văn bản pháp luật, chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động kiểm toán để nắm bắt và điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và tính liên thông hệ thống dữ liệu quốc gia bằng cách nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và tăng cường an toàn, bảo mật thông tin…

*Chủ động ứng dụng 

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết, để sớm tiếp cận thành tựu công nghệ mới. Kiểm toán Nhà nước đã triển khai một số giải pháp thiết thực và hiệu quả liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua. Theo đó có quy định mang tính đột phá cho phép Kiểm toán Nhà nước được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Việc này nhằm khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Đây là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hướng đến mục tiêu giảm nhân lực, biên chế kiểm toán, rút ngắn thời hạn cuộc kiểm toán, thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc kiểm toán để có những kết quả kiểm toán chính xác hơn và minh bạch hơn.

Đồng thời, năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin của kiểm toán viên được nâng cao và đào tạo về kỹ thuật nhiều hơn. Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035 chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên vững mạnh, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt phải nắm bắt được các kỹ năng mới và kiến thức sâu rộng trong ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh vào hoạt động kiểm toán phù hợp với thời đại số hoá.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước phát triển và đưa vào áp dụng trong toàn ngành phần mềm cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán; phần mềm quản lý thông tin Nhật ký kiểm toán; phần mềm quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; phần mềm hỗ trợ lập báo cáo kiểm toán (lĩnh vực doanh nghiệp); phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán đầu tư, xây dựng cơ bản...

Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức số hoá khối lượng lớn hồ sơ kiểm toán của hơn 500 cuộc kiểm toán thực hiện trong các năm 2017, 2018, 2019 với khoảng gần 9 triệu trang tài liệu được số hoá, phân loại và lưu trữ dưới dạng điện tử…

Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến 2030 đưa ra các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình phát triển công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước để tiến tới mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động, chuyển đổi số để xây dựng môi trường kiểm toán số.

Cụ thể, đến năm 2025, Kiểm toán Nhà nước hoàn thành cơ bản hạ tầng số và thực hiện một phần tự động hoá hỗ trợ hoạt động Kiểm toán Nhà nước với các công nghệ số hiện đại; hoàn thiện hạ tầng số và dần hình thành nền Kiểm toán Nhà nước hiện đại và vững mạnh dựa trên công nghệ số thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số Kiểm toán Nhà nước.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vai trò của hoạt động hợp tác quốc tế càng trở nên quan trọng và không thể thay thế. Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin như tham gia Đề án nghiên cứu “Áp dụng phân tích dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường” của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán môi trường (ASOSAI WGEA); tham gia Chương trình phát triển năng lực ASOSAI về kiểm toán công nghệ thông tin năm 2018 – 2019.
 
Kiểm toán Nhà nước cử công chức tham gia các khoá đào tạo về kiểm toán công nghệ thông tin tại Trung tâm hệ thống thông tin và kiểm toán quốc tế (iCISA của Kiểm toán Nhà nước Ấn Độ) trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ITEC) do Chính phủ Ấn Độ tài trợ...

Như vậy, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường tài chính thế giới, đồng thời khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội giám sát hiệu quả nền tài chính quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục