Cách mạng công nghiệp 4.0: Việt Nam có thể bắt kịp công nghệ tiên tiến trên thế giới

19:55' - 07/04/2017
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Việt Nam có nhiều lợi thế đón đầu Công nghiệp 4.0
Quang cảnh Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được & Mất”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Việt Nam hoàn toàn có thể đi trước trong việc sáng tạo và bắt kịp được công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đó là nhận đình của hầu hết các chuyên gia tại Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được & Mất” được Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế lớn, lúc này khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới bắt đầu, thì Chính phủ đã có sự quan tâm rất nhiều. Bên cạnh đó, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Ông Bình cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, không phải của các đại gia, mà là cuộc cách mạng công nghệ của mọi người, trong đó có những nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Theo ông Võ Trí Thành, tiếp cận công nghiệp 4.0 không chỉ là tiếp cận công nghệ số, robot, mà đó còn là vấn đề về nhân lực, giáo dục đào tạo, an ninh kết nối và các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy sáng tạo mà doanh nghiệp là trọng tâm.

Bởi sáng tạo, công nghệ mới phải đến từ thực tiễn. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những điều đó, vấn đề là chúng ta phải dám đi tiên phong và thay đổi tiếp cận, từ cấp Chính phủ đến người đứng đầu các doanh nghiệp, người lao động...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Điều đặc biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó là tốc độ phát triển phạm vi và mức độ tác động. Nó phát triển với cấp độ số nhân, làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị.

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào. Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận.

Theo nhiều chuyên gia tại diễn đàn, Việt Nam có cơ hội lớn, nhưng cách tiếp cận, nhìn nhận công nghiệp 4.0 như thế nào. Việt Nam hoàn toàn có thể đi trước trong việc sáng tạo và bắt kịp được công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, hi vọng Chính phủ sẽ có hành động cụ thể chứ không phải chỉ kêu gọi, có chính sách làm sao thúc đẩy, hỗ trợ để doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về công nghiệp 4.0 và tạo ra nhiều doanh nghiệp sáng tạo mạnh hơn. Doanh nghiệp nào nhận thức được sự sáng tạo, chuyển mình về công nghệ trong sản xuất thì sẽ có lợi thế phát triển hơn. 

Sự sáng tạo, thay đổi không chỉ nằm trong việc tự động sản xuất, mà đến từ nhận thức nhỏ nhất, từ nhân lực, chữ ký số.../.

Xem thêm:

>> ASEAN hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục