Cách nấu các loại cháo giải nhiệt hiệu quả cho ngày nắng nóng gay gắt

06:09' - 18/06/2021
BNEWS Trong những ngày nắng nóng gay gắt, cơ thể mất một lượng điện giải lớn qua mồ hôi. Vì vậy, ăn các loại cháo bổ dưỡng vào những ngày nắng nóng không chỉ dễ tiêu mà còn giúp giải nhiệt cơ thể.

Các loại cháo nên ăn vào ngày nắng nóng:
*Cháo đậu xanh: Đậu xanh có tính hàn, rất mát, giải nhiệt về mùa hè, cầm mồ hôi, dễ tiêu hóa, chống táo bón, nhuận tràng, nhất là những trường hợp máu nóng, làm mát ở những người háo nhiệt, phù thũng, ngứa ngáy khắp người. Cháo đậu xanh có  tác dụng giải nhiệt cho cơ thể khi bị nhiễm chất độc hoặc tăng đào thải các chất độc của cơ thể.

Cách nấu cháo đậu xanh: Lấy 100g đậu xanh, xay nhỏ hoặc vừa, ngâm trước hai tiếng đồng hồ; 300g gạo tẻ và nấu nhừ thành cháo, cho thêm đường phèn hay đường đỏ. Nếu không muốn ăn đường thì cho gia vị vừa đủ và ăn nguội tốt hơn ăn nóng.
*Cháo sắn dây: Bổ trợ sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là người yếu, huyết áp cao, co thắt mạch vành, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa gây tỳ hư, miệng háo, môi khô, lưỡi đỏ, khát nước nhiều. 
Cách nấu cháo sắn dây: Lấy 30g bột sắn dây, 100g gạo tẻ nấu nhừ thành cháo, ăn khi còn ấm.
*Cháo hoài sơn (củ mài): Có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, bổ phế, sinh tân chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh. Cháo còn chữa được bệnh tả lỵ lâu ngày, hư lao, tiểu đêm nhiều lần, thận hư yếu. 
Cách nấu cháo củ mài: Lấy nửa gạo, nửa hoài sơn nấu thành cháo, nêm gia vị vừa đủ và ăn khi nguội.
*Cháo trứng gà: Có tác dụng bổ dưỡng dễ ăn, thích hợp cho người cao tuổi sau ốm, cơ thể bị suy nhược, gầy xanh mệt mỏi, thở yếu, đi lại chậm chạp và phụ nữ sau sinh. 
Cách nấu cháo trứng gà: Lấy 100g gạo tẻ nấu cháo, khi chín nhừ đập quả trứng gà vào cháo, lấy cả lòng trắng lòng đỏ, cho hành hoa đủ dùng, ăn nóng cho khỏi tanh.
*Cháo đậu nành: Cháo đậu nành là món cháo bổ dưỡng hằng ngày, dễ tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc lại mát gan, mát huyết. Cháo dùng được cho mọi lứa tuổi nhưng tốt nhất cho người cao tuổi vì tiêu hóa kém, hấp thu chậm, miệng nhạt, ăn không thấy ngon, người háo, da khô, mắt mờ, can thận nóng.
Cách nấu cháo đậu nành: Lấy 650 ml sữa đậu nành cho gạo tẻ vào nấu (tùy theo khẩu vị thích ăn đặc hay loãng). Khi cháo chín nhừ cho đường đỏ vừa đủ, ăn ấm nóng.
*Cháo ý dĩ: Cháo ý dĩ chữa bệnh tả, lỵ, lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, chữa bệnh co gân, phong thấp lâu ngày, kích thích tiêu hóa, bổ phế kiện tỳ. 
Cách nấu cháo ý dĩ: Tùy theo số người ăn, cứ hai phần gạo một phần ý dĩ, cho nước nấu nhừ, nêm gia vị mì chính, ăn trong ngày.
*Cháo đậu đen, lá sen: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải nắng nóng, an thần, hạ áp, bổ ngũ tạng, bù điện giải. Thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với những người lao động trong môi trường nắng nóng, người háo khát, người can thận âm hư, người mắc các bệnh chứng của mùa hè như rôm sảy, lở ngứa, mày đay, chảy máu cam.

 

Cách nấu cháo đậu đen, lá sen: Lá sen (loại lá bánh tẻ) lấy từ 1 - 2 lá, thái nhỏ, đem sắc từ 15 - 20 phút để loại bỏ tạp chất, lọc lấy nước bỏ bã. Gạo tẻ 50 gam và đậu đen 50 gam vo qua, rồi cho nước lá sen vào và nêm thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. Nêm gia vị vừa đủ bắc ra ăn nguội, trong ngày. Có thể ăn thường xuyên vào mùa hè./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục