Cách Shein “vượt mặt” Zara và H&M

13:41' - 14/12/2023
BNEWS Shein đang chiếm gần 1/5 thị trường "thời trang nhanh" toàn cầu vào năm 2022, vượt xa Zara và hãng thời trang nhanh H&M. Vậy đâu là bí quyết thành công của Shein?

Tập đoàn sản xuất quần áo đa quốc gia Inditex vừa công bố kết quả kinh doanh gần nhất. Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang đình đám Zara, ghi nhận doanh số bán hàng tăng 14% trong 6 tuần tính đến ngày 11/12. Tập đoàn này cũng nâng mục tiêu lợi nhuận trong năm nay, giúp đẩy giá cổ phiếu lên mức cao lịch sử trong ngày 13/12.

Lợi nhuận ròng của Inditex là 4,1 tỷ euro (4,42 tỷ USD) trong thời gian 9 tháng tính đến cuối tháng 10, tăng 32,5% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến tăng 11%, chậm hơn mức tăng trưởng 19% của một năm trước đó.

 

Trong bối cảnh sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt, Inditex và một số thương hiệu thời trang khác đang cắt giảm số lượng cửa hàng và đầu tư trang hoàng cho các cửa hàng lớn hơn, hấp dẫn hơn, cũng như cải thiện khâu hậu cần để giao đơn đặt hàng trực tuyến nhanh hơn các đối thủ.

Đối thủ để cạnh tranh “đáng gờm” của Inditex vào thời điểm này có lẽ là Shein, thương hiệu đình đám đang dẫn đầu làng thời trang hiện tại. Shein được định giá rất cao và đang chuẩn bị thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO).

Theo công ty nghiên cứu Coresight, với việc bán hàng trực tuyến gần như hoàn toàn, hãng bán lẻ này đã tạo ra doanh thu toàn cầu tương đương khoảng 23 tỷ USD vào năm 2022.

Shein chiếm gần 1/5 thị trường "thời trang nhanh" toàn cầu vào năm 2022, vượt xa Zara và hãng thời trang nhanh H&M. Với việc đưa ra một mặt bằng giá thấp – ví dụ 5 USD/áo phông hay 10 USD/áo len - Shein đã thu hút khách hàng từ các cửa hàng quần áo giảm giá.

Nhà phân tích và người sáng lập bản tin Tech Buzz China Rui Ma cho biết: “Sức mạnh thực sự của Shein là thừa nhận rằng họ không biết bạn muốn mặc gì”. Điều họ tự tin là khả năng tăng cường sản xuất trong thời gian ngắn.

Đối với Inditex và H&M, nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ lớn trên thị trường quần áo và phụ kiện giá rẻ.

Ngày 6/12, chuyên phân tích Adam Cochrane của Deutsche Bank đã hạ xếp hạng cổ phiếu của Inditex và H&M xuống mức “sell”, và chỉ ra những thách thức bao gồm xu hướng giảm giá quần áo và áp lực từ Shein và đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh chóng của Shein là Temu, thuộc sở hữu của PDD. Mức xếp hạng "sell" của một cổ phiếu có nghĩa là cổ phiếu này đang được định giá cao và sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

H&M và Zara đã từ chối bình luận về điều này.

Shein có một số điểm chung với Zara và H&M. Các doanh nghiệp này đều là những thương hiệu đi đầu trong việc mang các thiết kế trên sàn diễn đến gần người mua với mức giá rẻ hơn, còn được gọi là "thời trang nhanh".

Cả ba nhà bán lẻ đều đối mặt với những lời chỉ trích vì cáo buộc “đạo” thiết kế của các thương hiệu khác. Shein đã phải đối mặt với một vụ kiện về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hồi tháng Bảy, với cáo buộc sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán độc quyền để tìm kiếm ý tưởng thiết kế trên Internet.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt đã cho phép Shein tạo ra một mô hình kinh doanh khác biệt về cơ bản so với những công ty thời trang “ăn liền” lâu đời như Zara và H&M.

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy Shein thường nhận đơn đặt hàng trong vòng 5 ngày đến 7 ngày và sau đó gửi sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua vận tải hàng không.

Việc vận chuyển vẫn có thể mất tới hai tuần, tùy thuộc vào sản phẩm và địa điểm của người mua. Tuy nhiên, mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mang lại cho Shein lợi thế so với các nhà bán lẻ truyền thống, vốn thường phân phối quần áo trên mạng lưới các cửa hàng toàn cầu, Giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc Sheng Lu tại Đại học Delaware cho biết.

Theo dữ liệu từ Giáo sư Lu, từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2023, Zara và H&M lần lượt đưa 40.000 mặt hàng mới và 23.000 mặt hàng mới vào thị trường Mỹ. Trong khi đó, Shein đã giới thiệu 1,5 triệu sản phẩm mới trong cùng thời gian – cao gấp 37 lần so với Zara và 65 lần so với H&M.

Và trong khi cả hai công ty vẫn làm việc với các nhà cung cấp ở Trung Quốc, Inditex và H&M đều có cơ sở sản xuất lớn ở các nước khác.

Năm 2022, 98% hoạt động sản xuất của Inditex được thực hiện tại 12 quốc gia, bao gồm Bồ Đào Nha, Morocco (Ma-rốc), Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha - nơi công ty đặt trụ sở chính.

Người phát ngôn của H&M cho biết Bangladesh (Băng-la-đét), cùng với Trung Quốc, là thị trường sản xuất quần áo lớn nhất của họ.

Trong khi đó, Shein từ chối bình luận về mạng lưới nhà cung cấp của mình, nhưng hồ sơ nhập khẩu gần đây cho thấy hầu như tất cả các sản phẩm nhập khẩu với số lượng lớn sang Mỹ đều đến từ Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục