Cách tiếp cận mới của chính quyền Mỹ về chính sách thương mại

06:30' - 31/01/2021
BNEWS Theo tờ Wall Street Journal, các thành viên hàng đầu của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hứa hẹn một cách tiếp cận rất khác đối với thương mại quốc tế.
Các nhà đàm phán Mỹ sẽ không còn tập trung vào việc mở cửa thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính, dược phẩm và các công ty khác mà các khoản đầu tư ra nước ngoài không trực tiếp thúc đẩy xuất khẩu hoặc tạo việc làm trong nước.

Những người có tiếng nói quyết định trong vấn đề này bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan của Tổng thống Biden và các thành viên trong nhóm chuyển tiếp của ông, những người có khả năng đảm nhận các vị trí cấp cao trong lĩnh vực thương mại. Một tư duy mới đang trở thành xu hướng chủ đạo trong các thành viên đảng Dân chủ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Sullivan đã tuyên bố rằng, chính sách thương mại nên “tập trung vào những gì cải thiện tiền lương và tạo công ăn việc làm với mức lương cao ở Mỹ, thay vì làm cho thế giới an toàn cho đầu tư của doanh nghiệp. Ví dụ, tại sao Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán về việc mở hệ thống tài chính của Trung Quốc cho tập đoàn Goldman Sachs.

Ông Lawrence Summers, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, thậm chí còn đi xa hơn khi ông đưa ra các lập luận chống lại việc ưu tiên đạt lợi nhuận cho Hollywood, các ngân hàng đầu tư và các nhà phát minh muốn được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Summers nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “những mối quan tâm cao nhất” của họ không đóng góp nhiều vào việc làm hoặc doanh thu thuế của nước Mỹ.

Những quan điểm đó được phản ánh trong các đề xuất thuế của ông Biden, nhằm thúc đẩy các công ty của Mỹ giữ việc làm ở trong nước hơn là nới lỏng đầu tư ra nước ngoài. Mở rộng các cơ sở ở Mỹ sẽ được hưởng một khoản tín dụng thuế; ngược lại nếu chuyển sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là đến các thiên đường trốn thuế, thì sẽ bị phạt bởi mức thuế cao hơn.

Ông Brad Setser, một thành viên trong nhóm chuyển tiếp của chính quyền của ông Joe Biden, được cho là người có nhiều đóng góp quan trọng đằng sau các đề xuất thay đổi. Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), ông Setser lập luận rằng, mặc dù các nhà đàm phán Mỹ thúc đẩy mở cửa thị trường cho các công ty dược phẩm, các công ty này lại sản xuất phần lớn ở các quốc gia có thuế thấp như Ireland, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn của Mỹ trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các công ty dịch vụ tài chính của Mỹ ở Trung Quốc là một ưu tiên khác, nhưng xuất khẩu của lĩnh vực này sang Trung Quốc bị hạn chế bởi doanh số bán hàng để tránh thuế ở Quần đảo Cayman.

Ông Setser cho rằng chính sách thương mại và thuế phải thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ, một lời kêu gọi được sự hưởng ứng của ông Sullivan và Đại diện Thương mại Mỹ được bổ nhiệm Katherine Tai.

Bà Tai nói rằng chính quyền mới của Mỹ muốn có một "chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm", chứ không phải một chính sách tập trung vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hoặc thu được giá hời. Bà Tai nói với một nhóm doanh nghiệp lớn gần đây rằng: “Người dân không chỉ là người tiêu dùng, họ còn là công nhân và người làm công ăn lương”.

Các kế hoạch của ông Biden đã tạo ra rất nhiều sự chú ý đối với những người kỳ cựu về chính sách thương mại mang tính hoài nghi. Các chính quyền trước ở Mỹ, ít nhất là từ thời cựu Tổng thống Clinton, cũng đã hứa hẹn các điều tương tự. Trong khi đó, Đại diện Thương mại của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, ông Robert Lighthizer, cũng khẳng định rằng ông đã tạo ra một chính sách lấy người lao động làm trung tâm.

Ông Lighthizer đã sử dụng thuế quan như một công cụ để cố gắng thúc đẩy hoạt động sản xuất trở về nước, mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm tại các nhà máy bị đình trệ khi chính quyền sử dụng các loại thuế làm tăng chi phí cho nhiều nhà máy. Ông cũng thúc đẩy và giành được quyền tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc cho các công ty dịch vụ tài chính của Mỹ, vốn không phải là ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Biden.

Phát biểu tại một cuộc phỏng vấn, ông Lighthizer cho biết các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và các nhà sản xuất khác cũng được hưởng lợi từ hiệp ước thương mại đối với Trung Quốc của Chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Theo bài viết, có nhiều lý do tại sao chính sách thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục như đã từng trước đây. Các nhà kinh tế thương mại nói rằng việc mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính, dược phẩm và các nhà đầu tư lớn khác ở nước ngoài có lợi cho tầng lớp trung lưu của Mỹ, ít nhất cũng là gián tiếp. Doanh thu tăng cường năng lực cho các công ty lớn để họ có thể nghiên cứu tại trong nước, sản xuất các sản phẩm mới cho người tiêu dùng Mỹ và trả lương cao cho công nhân Mỹ.

Một đại diện của Cơ quan nghiên cứu và sản xuất dược phẩm của Mỹ cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa của ngành dược phẩm không phản ánh giá trị của nghiên cứu và phát triển cũng như các công việc khác được thực hiện ở Mỹ.

Theo trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP) của Mỹ, các ngành công nghiệp mà đội ngũ Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không nhấn mạnh cũng có cơ hội vận động hành lang để chống lại. Ngành dịch vụ tài chính đã đóng góp khoảng 200 triệu USD cho cuộc bầu cử của ông Biden. Con số đó gần gấp 4 lần so với thời điểm mà ngành công nghiệp này đã tham gia vào cuộc bầu cử của ông Donald Trump. Các ngành công nghiệp cũng có các đồng minh đắc lực trong Quốc hội, đóng vai trò lớn trong việc thiết lập chương trình nghị sự thương mại của Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục