Cách tiếp cận mới trong chiến lược thu hút đầu tư của Saudi Arabia

06:30' - 30/11/2021
BNEWS Nỗ lực hồi sinh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách Saudi Arabia trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới.

Viện Nghiên cứu các nền kinh tế vùng Vịnh mới đây đăng bài phân tích nhận định rằng Saudi Arabia vẫn còn thời gian để hoàn thành nhiều mục tiêu đầu tư nước ngoài trong chiến lược Tầm nhìn 2030 của quốc gia này, song cơ hội đang dần khép lại nhanh chóng nếu Riyadh không nắm bắt kịp thời. 

Nỗ lực hồi sinh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách Saudi Arabia trong thời gian còn lại của năm nay và cả năm tới. Saudi Arabia đã tổ chức hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai thường niên lần thứ 5 tại thủ đô Riyadh từ ngày 26-28/10 vừa qua, quy tụ nhiều quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu nhằm thảo luận về tương lai của đầu tư thế giới. Giới chức Saudi Arabia hy vọng rằng quốc gia vùng Vịnh này cần giữ vai trò như một “nút thắt” không thể thiếu trong các dòng đầu tư quốc tế trước viễn cảnh đầy tiềm năng như vậy.

Trước hội nghị, Chính phủ Saudi Arabia đã công bố Chiến lược Đầu tư quốc gia mới, trong đó đặt mục tiêu thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá hơn 100 tỷ USD/năm vào năm 2030. Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid al-Falih cũng xúc tiến chuyến công du Mỹ nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, Saudi Arabia còn đẩy mạnh những sáng kiến đầu tư “xanh” và chống biến đổi khí hậu, khai thác tiềm năng ngày càng lớn của đầu tư dựa trên nguyên tắc gắn kết quản trị, xã hội và môi trường, cũng như tận dụng bối cảnh của các sự kiện khí hậu lớn, như Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) mới đây.

Chính phủ Saudi Arabia đã áp dụng phương pháp tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” để thúc đẩy dòng FDI. Tháng 2/2021, Saudi Arabia thông báo rằng, để bảo đảm hợp đồng với chính phủ, các công ty nước ngoài cần phải thành lập trụ sở khu vực ở nước này trước ngày 1/1/2024. Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), khoảng 44 công ty đa quốc gia đã nhận được giấy phép để chuyển trụ sở khu vực đến thủ đô Riyadh.

Đối với cách tiếp cận “củ cà rốt”, Quốc vương Salman bin Abdulaziz đã ban hành sắc lệnh hoàng gia vào ngày 11/11 vừa qua, cho phép một số đối tượng nước ngoài đặc biệt được nhập tịch Saudi Arabia, cho thấy một trong nhiều cải cách nhằm đưa quốc gia vùng Vịnh này trở thành một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Bộ Đầu tư Saudi Arabia cũng triển khai dịch vụ mới giúp nới lỏng quy trình thành lập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng lúc, Saudi Arabia liên lục nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại mới, thông qua đại dự án OXAGON với tham vọng trở thành khu liên hợp công nghiệp nổi lớn nhất thế giới.

Giới chức Saudi Arabia đang tạo ra nhiều đòn bẩy để kích thích dòng FDI. Trong khi các sáng kiến đầu tư của nước này thể hiện tham vọng rõ ràng, tính khả thi của chiến lược đầu tư dài hạn và đa dạng vẫn cho thấy yếu tố bất ổn. Những mục tiêu gắn kết cùng các sáng kiến đầu tư có lẽ vẫn chưa đủ để đáp ứng những kỳ vọng thậm chí còn lớn trong chiến lược Tầm nhìn 2030.

Số liệu FDI gần đây của Saudi Arabia là không quá hứa hẹn, song mức đầu tư thấp tạo ra nhiều dư địa cho tăng trưởng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2015-2019, tổng dòng vốn FDI ròng của Saudi Arabia đạt 25,8 tỷ USD. Trong khi đó, vốn FDI của Saudi Arabia từng vào đạt đỉnh vào năm 2008 với khoảng 39 tỷ USD, vẫn chỉ bằng 38% so với mục tiêu chiến lược đầu tư mới của Saudi Arabia vào năm 2030. 

Các thực thể chính phủ Saudi Arabia hiện vẫn đang dẫn đầu trong xu thế đầu tư quốc gia. Đầu năm 2020, Saudi Arabia đã chuyển Cơ quan Đầu tư Saudi Arabia thành Bộ Đầu tư. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF - quỹ tài sản chủ quyền quốc gia), cũng đóng vai trò xúc tiến thương mại, thúc đẩy một số dự án phát triển nguồn tài nguyên dọc theo Biển Đỏ, đồng thời khai thác du lịch hạng sang cũng như các di sản lịch sử và văn hóa khác trên toàn quốc.

Mặt khác, những cân nhắc của các nhà đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng trong “phương trình” mà Saudi Arabia cần phải giải quyết. Trong khi nhiều công ty Mỹ tìm cách thâm nhập thị trường Saudi Arabia hoặc mở rộng sự hiện diện ở nước này, dư âm trong mối quan hệ căng thẳng trong quá khứ giữa Saudi Arabia và Mỹ vẫn là mối bận tâm của không ít doanh nhân. 

Thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên sự ổn định tại quốc gia đầu tư, vì điều này giảm thiểu rủi ro chính trị. Tuy nhiên, căng thẳng ngoại giao leo thang gần đây giữa Saudi Arabia và Lebanonlà một ví dụ khác gợi nhớ đến các quan hệ ngoại giao trước đây của chính quyền Riyadh với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Canada. 

Cuối cùng, căng thẳng có thể sẽ dịu bớt, song việc tiếp tục xảy ra những xung đột ngoại giao cấp cao, cùng với các tác động kinh tế có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh thân thiện hơn.

Cùng lúc, giới chức Saudi Arabia đang cố gắng đạt được sự cân bằng phù hợp trong phát triển hệ thống thuế. Riyadh đã tăng Thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 15% trong năm 2020. Trong khi nhiều chi phí liên quan đến VAT được chuyển cho người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng trong chuỗi cung ứng và quy trình bán hàng. 

Đầu tháng 11 này, Đại sứ quán Mỹ tại Riyadh đã gửi một bức thư tới Bộ Đầu tư Saudi Arabia, nhấn mạnh những lo ngại về các vấn đề thuế, đặc biệt là sự “thiếu minh bạch, nhất quán và đúng quy trình”, trong các hóa đơn thuế mà các công ty đa quốc gia nhận được.

Về giải pháp, Saudi Arabia có khả năng sử dụng các đặc khu kinh tế để miễn thuế và thực hiện những ưu đãi liên quan cho các nhà đầu tư quốc tế. Tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai, Bộ Đầu tư Saudi Arabia đã công bố kế hoạch ưu đãi cho 20 đặc khu kinh tế mới với môi trường pháp lý thân thiện với nhà đầu tư.

Tầm nhìn 2030 mô tả Saudi Arabia là “một nền kinh tế định hướng tương lai, cung cấp các cơ hội kinh doanh độc đáo và tiềm năng chưa được khai thác”. Tuy nhiên, trên thực tế, các quan chức Saudi Arabia cần phải nắm bắt hiệu quả hơn những cơ hội đó và biến chúng thành kết quả thực tế./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục