“Cái bắt tay” kỳ vọng gà đẻ trứng vàng của trùm trứng Ba Huân
Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1954, bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trứng gia cầm từ năm 16 tuổi. Năm 2001, bà chính thức thành lập công ty Ba Huân và trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Hiện Ba Huân là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất cả nước với thị phần ước tính khoảng 30%. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày.
*Quyết tâm chuyển đổi số toàn diện
Cuối tháng 9/2022, Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần Ba Huân chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện, giúp Ba Huân hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ cao và bền vững. Từ đó, tạo ra chuẩn mực chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.
Theo thoả thuận hợp tác, FPT – tập đoàn tiên phong chuyển đổi số sẽ tư vấn cho Ba Huân lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động từ chăn nuôi, sản xuất đến cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn Ba Huân xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Bước đầu, hai bên sẽ thực thi dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP S/4HANA. FPT đồng hành cùng Ba Huân số hoá hệ thống phục vụ chuỗi chăn nuôi, sản xuất 3F (Feed – Farm – Food) bằng ứng dụng SAP S/4 HANA và các giải pháp Made by FPT.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân khẳng định, hợp tác giữa hai bên mang tính bước ngoặt của Ba Huân trong hành trình “chuyển mình” từ một doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp nông nghiệp số, khẳng định triết lý luôn vì người tiêu dùng của Ba Huân.
Việc hợp tác sẽ giúp Ba Huân chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành, giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị của doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc chuyển đổi số trên nền tảng SAP S/4HANA tạo điều kiện để Ba Huân sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới với tầm nhìn trở thành thương hiệu thực phẩm hàng đầu quốc gia, từ đó tiên phong thúc đẩy ngành nông nghiệp – chăn nuôi sẵn sàng đầu tư hệ thống công nghệ cao.
Hệ thống này giúp Ba Huân quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, FPT sẽ xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng.
Hệ thống của FPT giúp Ba Huân nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh toàn chuỗi, giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất. Từ đó, giảm giá thành sản phẩm, phụng sự người tiêu dùng Việt Nam.
*Số hóa để bắt kịp xu thế
Chủ tịch Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, Ba Huân hiện có đội ngũ kế thừa là thế hệ trẻ, thị trường thay đổi, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi nên doanh nghiệp phải số hóa để bắt kịp với xu thế. Khi quyết định thay đổi, Ba Huân chọn FPT là lựa chọn đối tác.
“Cá nhân tôi tin tưởng anh Trương Gia Bình, cách đây 10 năm, anh Bình đã “ngỏ lời” hỗ trợ Ba Huân chuyển đổi số. Song, tôi chưa dám nhận lời vì quy mô công ty nhỏ, nhân sự cũng chưa đủ năng lực công nghệ để đáp ứng mô hình chuyển đổi số toàn diện”, bà Huân chia sẻ.
“Chuyển đổi số trước hết là ở con người, người vận hành. Đến nay, tôi tự tin đội ngũ Ba Huân có thể đáp ứng được, có thể bắt tay anh Trương Gia Bình làm công nghệ”, Chủ tịch Công ty cổ phần Ba Huân cho biết.
Hiện nay, nhà máy Ba Huân đã chuyển đổi máy móc thiết bị áp dụng công nghệ tự động, phần nào khởi đầu thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số toàn diện. Tương lai, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp phải thay đổi, phải chuyển đổi số để phát triển lâu dài. Sau này các bạn trẻ tiếp quản doanh nghiệp, không thể tiếp quản một doanh nghiệp lạc hậu.
Quá trình trao đổi với FPT thực hiện dự án chuyển đổi số toàn diện, Ba Huân nhìn thấy FPT cùng chung định hướng đó là cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, hướng đến khách hàng. “Đây là niềm mơ ước của tôi, trên 50 năm làm ngành nông nghiệp được đổi mới như thế này, tôi rất vui mừng”, bà Huân bộc bạch.
Thực hiện dự án này, bà Huân kỳ vọng FPT và Ba Huân làm gương đi đầu để doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyển đổi theo. Hợp tác rất lớn lao này sẽ tạo tiếng vang cho ngành nông nghiệp. Việt Nam là nước nông nghiệp, tài nguyên vô giá nhưng người nông dân còn thiệt thòi vì chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học công nghệ.
Theo bà Huân, chuyển đổi số đương nhiên là tốn kém chi phí, công sức ban đầu nhưng thành công sau này lớn lao. “Hy vọng FPT hỗ trợ Ba Huân, Ba Huân cố gắng cùng FPT nâng cao chất lượng nông sản trước là để phục vụ người dân Việt Nam, sau là đưa thương hiệu nông sản Việt Nam ra quốc tế”, Chủ tịch Công ty cổ phần Ba Huân nêu khát vọng.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh nhận định, Ba Huân là thương hiệu quốc gia và bà Phạm Thị Huân là doanh nhân tiên phong trong cung cấp nông sản sạch đến với người tiêu dùng.
“Từ công ty gia đình, Ba Huân áp dụng công nghệ đưa công ty phát triển đến ngày hôm nay thực sự chúng tôi rất khâm phục, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, công nghệ hóa mô hình kinh doanh truyền thống là xu hướng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại hoá hệ thống quản trị là điều cốt lõi của quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, ứng dụng giải pháp công nghệ sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp khi tạo ra những bước nhảy vọt về vận hành và kinh doanh.
Ba Huân là thương hiệu đồng hành gần gũi với bữa ăn của hàng triệu gia đình Việt. Lập nghiệp với một gánh trứng từ năm 16 tuổi, bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân không ngừng kiến tạo những giá trị mới, thay thế cách làm cũ, xây dựng một nhà máy xử lý trứng hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 65.000 trứng/giờ và trở thành người tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm tại Việt Nam.
Với triết lý đồng hành, bảo vệ lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh, trong thời điểm hai năm đại dịch COVID-19, Ba Huân đã 2 lần từ chối quyết định từ chối tăng giá sản phẩm trứng gia cầm.
Với kinh nghiệm trong ngành trứng gia cầm hơn 50 năm, Ba Huân ngày nay không chỉ là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất cả nước, với thị phần ước tính khoảng 30%, mà còn nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm chế biến đột phá, mang giá trị dinh dưỡng cao. Sự mở rộng lớn mạnh về cả quy mô và chiều sâu sản xuất, lẫn thị trường trong và ngoài nước.
Ba Huân đặt ra bài toán về một hệ thống quản trị tổng thể cho công ty. Ba Huân cần tận dụng thế mạnh của các giải pháp công nghệ để tối ưu nguồn lực, giảm thiểu những rủi ro trong quản lý, tiết kiệm tối đa chi phí trong vận hành doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian sắp tới của công ty bên cạnh phát triển mở rộng kinh doanh sẽ là chuyển đổi số. Đối với Ba Huân, cốt lõi của chuyển đổi số phải bắt nguồn từ “con người”.
Thay đổi tư duy, áp dụng giải pháp công nghệ vào vận hành, Ba Huân kỳ vọng sẽ tạo ra “trứng vàng” trong vận hành, cải tiến quy trình, xây dựng môi trường làm việc số hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, tạo đà tăng trưởng năng suất, tiết kiệm chi phí./.
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
Ba Huân sẽ sớm sản xuất con giống công nghệ cao
12:21' - 14/01/2019
Công ty CP thực phẩm Ba Huân đang hoàn tất những bước cuối cùng để giữa năm 2019 sẽ đưa trang trại sản xuất con giống công nghệ cao tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào hoạt động.
-
Hàng hoá
Ba Huân, Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt bán ra hơn 1 triệu quả trứng gà truy xuất
16:00' - 01/09/2017
Công ty TNHH Ba Huân và Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã cung cấp ra thị trường TP Hồ Chí Minh hơn 1 triệu quả trứng gà có dán tem truy xuất nguồn gốc.
-
Doanh nghiệp
Khánh thành Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân
14:08' - 15/04/2017
Ngày 15/4, Công ty cổ phần Ba Huân đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại Hà Nội với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Vinamilk: Từ thương hiệu sữa “quốc dân” đến giá trị tỷ đô trong top 10 thế giới
17:10' - 03/12/2024
Tính từ lần đầu tiên được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2010 đến nay, Vinamilk đã phát triển số thị trường xuất khẩu của mình từ 42 lên đến 62 quốc gia.
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.