Campuchia được phân bổ 1,56 tỷ USD từ Quyền rút vốn đặc biệt của IMF

07:26' - 12/08/2021
BNEWS Campuchia sẽ nhận được phân bổ 1,56 tỷ USD, tương đương 0,24% từ tổng mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF nhằm hỗ trợ các quốc gia chống đại dịch COVID-19.

Theo thông cáo báo chí từ tổ chức Oxfam ngày 11/8, Campuchia sẽ nhận được phân bổ 1,56 tỷ USD, tương đương 0,24% từ tổng mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tương đương 650 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ các quốc gia chống đại dịch COVID-19.

Trước đó, hôm 2/8, IMF thông báo Hội đồng Thống đốc của tổ chức này đã thông qua đợt phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF và là sự kích thích đáng khích lệ dành cho nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có.

Bà Solinn Lim, Giám đốc Oxfam tại Campuchia, nêu rõ: “Mức phân bổ chung mới SDR sẽ trợ giúp các nước đang phát triển, trong đó có Campuchia ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế của mình.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có những nỗ lực rất lớn để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 và hỗ trợ cho những tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương đối phó với các tổn thất sinh kế bằng chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn trong lịch sử”.

Người đứng đầu tổ chức Oxfam tại Campuchia cũng nhấn mạnh: “Còn nhiều việc phải làm hơn nữa, chúng tôi đã hối thúc Chính phủ Hoàng gia Campuchia tiếp tục làm việc một cách minh bạch và cùng với các tổ chức dân sự xã hội để đảm bảo rằng khoản tài trợ không ghi nợ này sẽ được sử dụng giúp cho tất cả người dân Campuchia bị tác động bởi đại dịch COVID-19 được hưởng lợi.

Ví dụ như ưu tiên đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo vệ xã hội với các khoản đầu tư để có thể giảm sự bất bình đẳng vì một sự hồi phục công bằng và bền vững hơn từ đại dịch”.

Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khu vực kinh tế phi chính thức hiện chiếm 87,5% thành phần kinh tế Campuchia. Bộ Kế hoạch Campuchia mới đây đã cảnh báo rằng khoảng 6 triệu lao động thuộc khu vực này có nguy cơ mất sinh kế cùng lúc khi đại dịch vẫn còn kéo dài.

Do đó, Chính phủ Campuchia cần phải khẩn thiết tập trung đặc biệt cho chương trình cứu trợ cho các lao động khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa, vốn là xương sống của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng mức phân bổ SDR mới sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8/2021. Việc phân bổ các SDR mới, khi có hiệu lực, tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu.

Điều này có nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn.

Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn. Việc phân bổ SDR rất hiếm khi được thực hiện, lần gần đây nhất là phân bổ tương đương 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009.

SDR ra đời năm 1969, được coi là loại tiền tệ quy ước của IMF sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau.

Phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, euro, yen, bảng Anh và nhân dân tệ - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên. IMF sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục