Campuchia xác nhận 781 hành khách tàu MS Westerdam âm tính với COVID-19

17:05' - 19/02/2020
BNEWS Bộ Y tế Campuchia khẳng định rằng tình trạng sức khỏe chung của toàn bộ các hành khách tàu MS Westerdam còn ở lại Campuchia đều bình thường và không bị sốt.
Du thuyền Westerdam tại cảng Sihanoukville, Campuchia, ngày 14/2. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo rằng các xét nghiệm của 781 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch MS Westerdam đều cho kết quả âm tính với chủng mới của virus corona (nCoV) gây bệnh viêm đường hô cấp COVID-19. 

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trang thông tin Fresh News dẫn thông báo của Bộ Y tế Campuchia còn khẳng định rằng tình trạng sức khỏe chung của toàn bộ các hành khách tàu MS Westerdam còn ở lại Campuchia đều bình thường và không bị sốt. 

Thông báo nhấn mạnh, Bộ Y tế Campuchia, Sở Y tế tỉnh Preah Sihanouk phối hợp cùng các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế sẽ đẩy nhanh việc đưa toàn bộ số hành khách còn lại của tàu cũng như thành viên thủy thủ đoàn về nước trong thời gian sớm nhất có thể. 

Phát biểu trong một sự kiện ở thủ đô Phnom Penh hôm 18/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định rằng đã có 3 chuyến bay được chuẩn bị cho các hành khách tàu du lịch MS Westerdam, đang bị bị kẹt lại ở Phnom Penh và Sihanoukville, rời khỏi Campuchia về nước. 

Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói rằng kể từ khi các hành khách này rời tàu WS Westerdam lên bờ tại cảng Sihanoukville hồi tuần trước, tổng cộng đã có 541 hành khách đã rời khỏi Campuchia tới một số nước tại châu Á. 

Sau khi bị 5 nước và vùng lãnh thổ từ chối cho cập cảng, tàu MS Westerdam cuối cùng đã được cập cảng Sihanoukville hôm 13/2 với 1.455 khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đang trong tình trạng gần hết lương thực và nhiên liệu. 

Hành khách trên tàu du lịch Westerdam đi xe buýt tham quan thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Rwanda Paul Kagame vừa ra quyết định sa thải Bộ trưởng Y tế Diane Gashumba do không trung thực về số lượng các bộ xét nghiệm virus nCoV hiện có tại quốc gia Trung Phi này. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thống Paul Kagame cáo buộc Bộ trưởng Y tế Diane Gashumba đã không trung thực sau khi đưa ra thông báo rằng hiện Rwanda đã có 3.500 bộ xét nghiệm dùng một lần trong khi trên thực tế quốc gia 12 triệu dân này chỉ có vỏn vẹn 95 bộ xét nghiệm.

Sự việc được phát hiện cuối tuần trước khi Tổng thống yêu cầu Bộ Y tế tiến hành xét nghiệm nCoV cho 400 quan chức cấp cao để chuẩn bị cho một cuộc họp cấp chính phủ. 

Tổng thống Kagame cho biết sau khi yêu cầu được đưa ra, Bộ trưởng Y tế Diane Gashumba đã thừa nhận rằng hiện Rwanda chỉ có 95 bộ xét nghiệm nCoV, thay vì 3.500 bộ như thông báo trước đó. 

Theo Tổng thống Rwanda, đây là hành vi vi phạm đạo đức công vụ nghiêm trọng và sau đó Phủ Tổng thống đã tuyên bố sa thải bà này. 

Liên quan đến nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 sang châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ phát hiện 1 ca nhiễm bệnh tại châu Phi, nhưng khả năng bùng phát dịch bệnh là rất cao do mối quan hệ mật thiết về kinh tế giữa các quốc gia châu Phi và Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, WHO nhận định tại một châu lục nghèo, nơi khả năng chăm sóc y tế rất hạn chế, việc phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh đóng vai trò quan trọng. Nếu dịch COVID-19 lây lan sang châu Phi sẽ rất khó kiểm soát do hệ thống y tế ở đây vốn đang quá tải với các bệnh nhân Ebola, sởi, sốt rét và nhiều bệnh truyền nhiễm gây chết người khác. 

Trước đó, hôm 14/2, Bộ Y tế Ai Cập xác nhận ca dương tính đầu tiên với nCoV gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đây cũng là ca COVID-19 đầu tiên ở châu Phi./.

>> Mỹ dùng hộp cách ly đưa công dân nhiễm COVID-19 về nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục