Cần cái nhìn đa chiều trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

15:07' - 27/09/2016
BNEWS Chính sách mới về đất đai cần phải đưa ra giải pháp cụ thể mới thực hiện được tích tụ ruộng đất.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: TTXVN

Câu chuyện làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam vượt ra khỏi “cổng trang trại” hay nói cách khác hơn là thu hẹp khoảng cách phát triển nông nghiệp đối với các nước bạn trong khu vực là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Buổi công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 27/9.

Hầu hết các ý kiến tham dự đều cho rằng, việc tham gia của các bên liên quan không nên chỉ dừng ở mức phối hợp mà cần có những quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo bước chuyển của ngành nông nghiệp được thành công.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thẳng thắn cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho các địa phương trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp vướng mắc. Nhiều vấn đề vượt ra khỏi tầm với của ngành như: tích tụ ruộng đất và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nêu ví dụ cụ thể đối với việc thu hút doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã nghiên cứu một số doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Các ý kiến đều cho rằng, doanh nghiệp cần một diện tích đất đủ lớn để xây dựng vùng nguyên liệu.

Như vậy, mới có thể đưa được cơ giới hoá cũng như phát triển công nghiệp chế biến. Theo ông Tuấn, trong chính sách mới về đất đai cần phải đưa ra giải pháp cụ thể mới thực hiện được tích tụ ruộng đất.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Ông Tuấn cho rằng, nhà nước nên có thay đổi trong vấn đề đầu tư ngân sách phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng: đường, điện, nước để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thu hút FDI vào ngành nông nghiệp. Ảnh: TTXVN

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, thời gian tới nên tính tới vấn đề phát triển nông nghiệp phù hợp giữa các vùng; xác định được mô hình phù hợp để thực hiện; giải pháp để thực hiện liên kết vùng. Xác định được những vấn đề như vậy, việc phát triển nông nghiệp mới bền vững, có tính ổn định.

Đại biểu tham dự hội thảo đề cập tới vấn đề xây dựng báo cáo, định hướng ngành vẫn phải sử dụng số liệu cũ. Bởi nhiều lĩnh vực không thuộc sự quản lý trực tiếp của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, sự chia sẻ, phối hợp trao đổi dữ liệu thông tin của các ngành còn chậm đổi mới.

Đơn cử, hiện ở Việt Nam để có số liệu điều tra mới, cập nhật về các cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng nông sản hay hệ thống cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông nghiệp, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu là khó thực hiện.

Bên cạnh đó, cần gắn sản phẩm nông nghiệp với việc phát triển du lịch. Cách làm này giúp quảng bá hình ảnh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở bước ngoặt lớn trong phát triển nông nghiệp và đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hoá được năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp đã có sự sụt giảm, nền nông nghiệp dễ bị tổn thương bởi các vấn đề về thiên tai, môi trường. Đã đến lúc Việt Nam không thể làm theo cách cũ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục