Cần chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính

16:38' - 22/04/2025
BNEWS Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Do đó, thành phố cần có chiến lược dài hạn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính quốc tế.

 

Thông tin này được các chuyên gia nhận định tại Hội thảo khoa học "Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực", do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/4.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), việc thu hút nhân tài trong và ngoài nước là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Nội dung này bao gồm nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính; và việc hình thành khu sống – làm việc chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm.

“Một trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro. Lực lượng lao động cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng; đồng thời là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính”, ông Vũ cho biết.

Để xây dựng nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần có sự tiếp cận đa chiều, không chỉ tập trung vào yếu tố tiền tệ mà còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này bao gồm việc đảm bảo đội ngũ chuyên gia đủ sâu về chuyên môn, đủ rộng về đa ngành, đủ nhanh để thích ứng với sự phát triển công nghệ và đủ mở để thu hút nhân tài quốc tế. Theo đó, nguồn nhân lực cần được phát triển ở cả ba cấp độ: quản lý cấp cao và hoạch định chính sách, chuyên gia cấp trung và lực lượng đang được đào tạo.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất cần có sandbox (khu thử nghiệm) cho giáo dục, hoạt động tương tự như sandbox cho công nghệ tài chính (fintech). Sandbox giáo dục sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm các phương pháp đào tạo mới, linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường và công nghệ, thay vì khung chương trình và quy định cứng nhắc hiện nay ở bậc đại học và sau đại học.

Các khóa đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ theo chuẩn đầu ra, và cơ chế tích lũy tín chỉ sẽ giúp người học tiếp cận kiến thức và bằng cấp một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của trung tâm tài chính và các ngành kinh tế khác.

Trước đó, các chuyên gia của GFCI (Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu) cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần cải thiện năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là ba khía cạnh gồm môi trường thân thiện với doanh nghiệp, các định chế tài chính uy tín và nguồn nhân lực trình độ cao.

Tại hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 3/2025, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến việc cần thiết phải có chiến lược phát triển nguồn chất lượng cao khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ quản lý, vận hành của trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các định chế tài chính lớn... phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục