Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế-hải quan

16:23' - 14/10/2015
BNEWS Việc lấy đánh giá từ bên ngoài làm cơ sở, căn cứ đo lường vị trí môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ giúp xác định rõ hơn giải pháp cụ thể, quy mô, mức độ triển khai.
Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

“Nếu cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia mà không nhấn mạnh vai trò của chính quyền tỉnh, thành phố thì đã bỏ lỡ một mắt xích quan trọng. Điều doanh nghiệp quan tâm nhất chính là giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí và những công đoạn nhiêu khê".

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm “Cải cách trong lĩnh vực thuế - hải quan, cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP” tổ chức ngày 14/10, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, đối với doanh nhân, văn bản điều hành rất cần thiết nhưng quan trọng hơn chính là áp dụng những văn bản vào thực tế.

Đánh giá về Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành vào các năm 2014, 2015 đề cập về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chuyên gia cho rằng có nhiều điểm mới và đề ra được mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.

Mục đích hướng tới là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2014, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam lấy tiêu chuẩn ASEAN - 6, năm 2015 là tiêu chuẩn ASEAN–4.

Kết quả khảo sát của Chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan thực hiện trong tháng 6/2015 đối với việc thực hiện thủ tục hành chính thuế, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 19 đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Trong đó, nổi bật nhất là kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, thông quan điện tử.

Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước liên quan đến doanh nghiệp chưa được liên thông một cách hiệu quả.

Dữ liệu giữa cục thuế, chi cục thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư còn chưa đồng bộ nên doanh nghiệp phải làm nhiều tờ khai, cung cấp cùng loại thông tin cho các cơ quan nhà nước khác nhau.

Phân tích về những vướng mắc doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp phải trong khai báo thủ tục hải quan, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu chế xuất – khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của thành phố vừa phải làm thủ tục hải quan điện tử vừa phải làm thủ tục hải quan thủ công. Khi doanh nghiệp khai báo giao nhận hàng thường bị nhân viên hải quan làm khó.

Ngoài ra, trong quá trình xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát, cán bộ hải quan thường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định, nội dung kiểm tra chồng chéo.

Để có thể cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thuế, hải quan, theo các doanh nghiệp, nhất thiết phải quy định rõ ràng, minh bạch thủ tục hành chính thuế và hải quan. Đặc biệt, phải có biện pháp chế tài xử lý mạnh đối với cán bộ thuế, hải quan làm sai hoặc cố tình làm chậm thủ tục gây mất thời gian, lãng phí chi phí của doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, cần giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan, thuế với doanh nghiệp bằng cách nâng cấp hệ thống quản lý điện tử, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, đa dạng hình thức nộp thuế như nộp điện tử, nộp qua ngân hàng…/.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục